Chứng khoán phái sinh: Động lực từ châu Á

Chứng khoán phái sinh: Động lực từ châu Á

(ĐTCK) Mặc dù các sản phẩm chứng khoán phái sinh có xu hướng giảm trong năm 2016, đây vẫn là đối tượng được giao dịch tích cực bậc nhất trên thị trường phái sinh, mà động lực đến từ khu vực châu Á.

Sản phẩm phái sinh giao dịch tích cực bậc nhất

Theo báo cáo thường niên của Liên đoàn Các sở giao dịch chứng khoán toàn cầu (WFE), năm 2016, chứng khoán phái sinh chỉ còn chiếm khoảng 45% thị trường phái sinh toàn cầu, dù vẫn duy trì là thị trường có giao dịch tích cực bậc nhất. Đây là lần đầu tiên chứng khoán phái sinh chiếm tỷ trọng dưới 50% trong số các thị trường phái sinh kể từ khi WFE bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 2005.

Theo WFE, khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh giảm 11% năm 2016 và xu hướng đi xuống diễn ra với gần như mọi loại sản phẩm. Chẳng hạn, khối lượng giao dịch sản phẩm phái sinh quyền chọn một cổ phiếu giảm 4,9% năm 2015, trong khi giao dịch sản phẩm quyền chọn chỉ số chứng khoán và tương lai giảm lần lượt 26,1% và 7,3%.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, giao dịch chứng khoán phái sinh có mối liên hệ mật thiết với tính chất bất ổn của thị trường, như một biện pháp đo lường mức độ sợ hãi của nhà đầu tư về những biến động bất ngờ của thị trường. Trong bối cảnh các chỉ số đo tính bất ổn thị trường như VIX của CBOE và chỉ số bất ổn MSCI US Historical đang ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ, diễn biến giảm của giao dịch chứng khoán phái sinh là dễ hiểu.

Tuy nhiên, Owen Jones, chiến lược gia tại Citigroup cho biết, nhu cầu đối với các sản phầm chứng khoán phái sinh có thể tăng trong năm nay, khi tín dụng được mở rộng, xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương tiến hành các chương trình mua tài sản, lãi suất tại Mỹ tăng lên và nhà đầu tư lo lắng về những bất ổn chính trị tại châu Âu. 

Bên cạnh đó, báo cáo của WFE chỉ ra rằng, khối lượng giao dịch phái sinh toàn cầu đã tăng 2,2% lên mức 24,9 tỷ hợp đồng năm 2016. Trong số đó, động lực tăng trưởng chính là châu Á.

Thực tế, tại các sàn giao dịch tại châu Á, trong đó có ASEAN, thị trường đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Cụ thể, chứng khoán phái sinh, tập trung ở sản phẩm quyền chọn, đã tăng gần gấp 3 lần về giá trị hợp đồng trong giai đoạn 2002 – 2006 và đạt đỉnh về số lượng hợp đồng năm 2015, trước khi giảm nhẹ trong năm 2016.

Chứng khoán phái sinh: Động lực từ châu Á ảnh 2

Các sàn giao dịch phái sinh tiêu biểu tại ASEAN

Trong bảng xếp hạng thường niên các sàn giao dịch phái sinh lớn nhất toàn cầu được công bố bởi Hiệp hội Giao dịch hợp đồng tương lai (FIA, Futures Industry Association), Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia là các quốc gia thuộc ASEAN có mặt.

Singapore Exchange (SGX) là một trong những sàn giao dịch chứng khoán phái sinh lớn nhất châu Á. Năm 2016, SGX xếp thứ 23 trong số các sàn giao dịch phái sinh lớn nhất toàn cầu với 172,4 triệu hợp đồng giao dịch, giảm so với mức 183,8 triệu hợp đồng giao dịch năm trước đó.

Tại Thái Lan, Thailand Futures Exchange (TFEX), công ty con của Stock Exchange of Thailand (SET) được thành lập vào 17/5/2004 như là một sàn giao dịch phái sinh. Tới tháng 4/2006, TFEX ra mắt sản phẩm đầu tiên SET50 Index Fututes. TFEX được phép giao dịch các sản phẩm tương lai, quyền chọn và quyền chọn trong tương lai.

Năm 2016, TFEX xếp thứ 27 trong Top 55 sàn giao dịch phái sinh toàn cầu theo FIA, với 69,5 triệu hợp đồng, tăng 43,3% so với con số 48,5 triệu hợp đồng năm 2015.

Một đại diện khác của ASEAN là Bursa Malaysia Derivatives Berhad (BMD), trước mang tên gọi Malaysia Deriavatives Exchange Berhad (MDEX), công ty 75% sở hữu thuộc Bursa Malaysia Berhad và 25% thuộc sở hữu của CME Group, chuyên cung cấp, tổ chức và duy trì sàn giao dịch tương lai và quyền chọn.

Năm 2016, Bursa Malaysia xếp thứ 39 trong số các sàn giao dịch phái sinh lớn nhất toàn cầu tính về khối lượng giao dịch năm 2016 với 14,2 triệu hợp đồng giao dịch, tăng 1,25 từ mức 14 triệu hợp đồng nằm trước đó, theo FIA.

Indonesia Commodities and Derivatives Exchange (ICDX) là sàn giao dịch phái sinh của Indonesia được thành lập vào năm 2010. Ban đầu, sàn giao dịch này chỉ dành cho sản phẩm hợp đồng tương lai dầu cọ, sau đó bổ sung thêm một số loại hàng hóa được giao dịch chủ yếu tại thị trường châu Á.

Năm 2016, ICDX xếp thứ 51 trong bảng xếp hạng của FIA với hơn 558.000 hợp đồng giao dịch, giảm 0,3% so với năm trước đó. 

Tin bài liên quan