Chứng khoán Mỹ, Âu tụt dốc trước đà bán tháo toàn cầu

Chứng khoán Mỹ, Âu tụt dốc trước đà bán tháo toàn cầu

(ĐTCK) Viễn cảnh Mỹ sẽ sớm nâng lãi suất vào cuối năm nay đang khiến thị trường chứng khoán toàn cầu dậy sóng. Trong đó, các công ty chịu tổn thương bởi đồng USD mạnh dẫn đầu đà bán tháo trên thị trường Mỹ, châu Âu.

Chỉ số Standard & Poor 500 giảm mạnh nhất trong một tháng qua, với các công ty lớn như Caterpillar Inc và Nike dẫn dầu đà lao dốc. Theo đó, S&P 500 giảm 1%, xuống mức 2.078,58 điểm lúc 4h tại New York, đây là mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ 2/10.

Cổ phiếu của Macy’s Inc và Kohl’s Corp đều giảm 5% sau khi Citigroup Inc giảm mức dự báo lợi nhuận của cả 2 công ty, cho rằng thị trường bị tổn thương bởi nhu cầu tiêu thụ suy giảm và tình trạng dư cung.

Chứng khoán châu Âu cũng rơi vào đà giảm, sau 4 phiên tăng giá gần đây, khi giới đầu tư cân nhắc lại viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và tác động của các chính sách nới lỏng hiện tại tại châu Âu. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,1% với việc cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn giảm mạnh trong phiên, sau khi Trung Quốc công bố các số liệu xuất nhập khẩu tháng 10 đáng thất vọng.

Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục lên mức gần cao nhất trong một thập kỷ qua sau 4 phiên tăng liên tiếp gần đây, khi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi rơi xuống mức thấp nhất 5 tuần. Chỉ số đo sức mạnh đồng tiền các quốc gia đang phát triển của Bloomberg đã giảm trong 4 ngày liên tiếp. Đồng ringgit của Malaysia, bath Thái và rupee của Ấn Độ đã giảm ít nhất 1% so với đồng USD.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu tiếp tục điều chỉnh lại các quyết định đầu tư khi niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay ngày càng có chỗ dựa vững chắc. Khả năng Fed tăng lãi suất trong phiên họp vào tháng 12 đã tăng lên 68%, từ 50% trong tuần trước và 39% trong tháng trước, sau số liệu về việc làm tích cực cùng tuyên bố khá chắc chắn của Chủ tịch Fed Janet Yellen.

Đồng USD mạnh khiến cổ phiếu của các công ty đa quốc gia tại Mỹ chịu nhiều thiệt thòi. Chưa kể tới việc giới đầu tư lo ngại dòng tiền từ các quốc gia phát triển sẽ đổ sang các thị trường mới nổi, khiến giá cả tại các thị trường này sẽ xuống thấp hơn nữa.

“Mọi người đều cảm thấy lo lắng khi tháng 12 sắp tới gần. Tôi nghĩ rằng điều người ta lo sợ không phải là lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản sẽ kéo thị trường tụt giảm mà là những gì xảy ra sau đó. Liệu lãi suất sẽ tăng nhanh đến mức nào và môi trường nới lỏng tiền tệ hiện tại sẽ kết thúc ra sao?”, Robert Pavlik, chiến lược gia trưởng tại Boston Private Wealth cho biết.

Tin bài liên quan