Chứng khoán lình xình, giá vàng lao dốc

Chứng khoán lình xình, giá vàng lao dốc

(ĐTCK) Sau phiên khởi sắc đầu tuần, giá vàng lình xình trở lại trong phiên thứ Ba do chịu các thông tin trái chiếu, trong khi hết thông tin hỗ trợ, trong khi dữ liệu kinh tế khả quan khiến giá vàng giảm mạnh.

Sau phiên tăng mạnh đầu tuần do căng thẳng địa chính trị dịu lại, phố Wall ít thay đổi trong phiên giao dịch thứ Tư khi doanh số bán lẻ tháng 7 tích cực (tăng lên mức cao 7 tháng) bị xóa bớt bởi đà lao dốc của cổ phiếu Home Depot khi nhà đầu tư lo lắng về triển vọng thị trường nhà ở trong tương lai.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Dow Jones tăng 5,28 điểm (+0,02%), lên 21.998,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,23 điểm (-0,05%), xuống 2.464,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,22 điểm (-0,11%), xuống 6.333,01 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và thực phẩm, cùng với tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa sau khi căng thẳng địa chính trị được hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,96 điểm (+0,41%), lên 7.383,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 11,92 điểm (+0,10%), lên 12.177,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,58 điểm (+0,36%), lên 5.140,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản bật tăng mạnh trở lại sau mức thấp nhất 3 tháng nhờ căng thẳng vấn đề Triều Tiên được xoa dịu, thì chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu giảm điểm sau phiên thăng hoa đầu tuần do áp lực chốt lời.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng vẫn duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng.

Kết thúc phiên 15/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 216,21 điểm (+1,11%), lên 19.753,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 75,27 điểm (-0,28%), xuống 27.174,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,90 điểm (+0,43%), lên 3.251,26 điểm.

Căng thẳng địa chính trị giảm đi, cùng với việc đồng USD tăng đã khiến giá vàng liên tiếp có những phiên giảm mạnh. Trong phiên thứ Ba, dù thoát khỏi mức giá thấp nhất phiên, nhưng giá vàng cũng tiếp tục có phiên giảm mạnh, nhất là sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ Mỹ tích cực, báo hiệu tăng trưởng kinh tế quý III của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khả quan.

Kết thúc phiên 15/8, giá vàng giao ngay giảm 10,5 USD/ounce (-0,82%), xuống 1.271,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 10,5 USD/ounce (-0,82%), xuống 1.273,7 USD/ounce.

Sau phiên sụt giảm mạnh phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 3 tuần do đồng USD leo thang và dấu hiệu cho thấy nhu cầu xăng của Trung Quốc suy yếu, giá dầu thô đã giao dịch ổn định trở lại trong phiên thứ Ba và đóng cửa gần như không thay đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 15/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,04 USD/thùng (-0,08%), xuống 47,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,07 USD (+0,14%), lên 50,80 USD/thùng. 

Tin bài liên quan