Phố Wall tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng điểm (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng điểm (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán lập đỉnh, giá vàng lao dốc

Dù chịu rung lắc sau chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng, nhưng chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục duy trì đà tăng và các chỉ số tạo nhiều đỉnh mới. Trong khi đó, đồng USD lên mức cao nhất hơn 2 tuần đã đẩy giá vàng lao dốc.

Sau 2 phiên khởi sắc, phố Wall đã chịu chút rung lắc trong phiên thứ Năm và chỉ biến động nhẹ trong phiên này. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ số S&P 500 vẫn có được sắc xanh và lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2015.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones tăng 18,15 điểm (+0,10%), lên 17.926,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,36 điểm (+0,02%), lên 2.082,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,53 điểm (-0,03%), xuống 4.945,89 điểm.

Chứng khoán châu Âu đã có phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Năm, nhưng cuối cùng cũng giữ được sắc xanh nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu Nestle sau báo cáo lợi nhuận khả quan và cổ phiếu Ferrovial khi được các hãng môi giới nâng khuyến nghị.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 2,21 điểm (+0,03%), lên 6.365,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,55 điểm (+0,67%), lên 10.093,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 21,20 điểm (+0,47%), lên 4.511,51 điểm.

Trên thị trường châu Á, dữ liệu thương mại khả quan của Trung Quốc, cũng như kỳ vọng về tăng trưởng GDP quý I của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục là động lực đẩy chứng khoán khu vực bay cao.

Chứng khoán Nhật Bản lên  mức cao nhất 2 tuần ngoài hưởng lợi từ dữ liệu kinh tế Trung Quốc còn được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm. Trong khi chứng khoán Hồng Kông còn leo lên mức cao nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 529,83 điểm (+3,23%), lên 16.911,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 179,10 điểm (+0,85%), lên 21.337,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 15,72 điểm (+0,51%), lên 3.082,36 điểm.

Sau chuỗi giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất gần 6 tháng, đồng USD đã có 3 phiên hồi phục liên tiếp, lên mức cao nhất hơn 2 tuần. Sức mạnh của đồng USD đã gây sức ép lớn với giá vàng, khiến giá kim loại quý này lao dốc trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần.

Kết thúc phiên 14/4, giá vàng giao ngay giảm 14,8 USD (-1,19%), xuống 1.227,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 21,8 USD (-1,75%), xuống 1.226,5 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô cũng có phiên giao dịch đầy biến động trước các thông tin trái chiều.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới từ tháng trước lên 1,16 triệu thùng/ngày. Dữ liệu khác cũng cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tiếp tục giảm.

Những thông tin này giúp giá dầu thô hồi phục trong phiên thứ Năm, nhưng sự không đồng nhất giữa phát ngôn của các nhà sản xuất lớn trong việc đóng băng sản lượng gây sức ép lên giá dầu. Cuối cùng, thông tin tích cực đã không chiến thắng được chủ nghĩa hoài nghi, khiến giá dầu đóng cửa với phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 14/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,26 USD (-0,63%), xuống 41,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,78%), xuống 43,84 USD/thùng.

Tin bài liên quan