Chứng khoán lao dốc, vàng nổi sóng

Chứng khoán lao dốc, vàng nổi sóng

(ĐTCK) Khủng hoảng chính trị tại Washington gia tăng khi thông tin mới về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra của FBI nhắm vào cựu cố vấn an ninh Michael Flynn khiến giới đầu tư lo lắng bán tháo trên thị trường chứng khoán để tìm đến vàng như là kênh trú ẩn an toàn.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Washington bùng phát thêm khi có thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi cựu Giám đốc FBI James Comey chấm dứt điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Điều này khiến giới đầu tư lo lắng về các chính sách kinh tế như cải cách thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng mà ông Trump đưa ra sắp tới khó có thể được thông qua dễ dàng, thậm chí Tổng thống Mỹ còn có thể đối mặt với nguy cơ bị cáo buộc.

Do đó, lực bán tháo đã nhanh chóng diễn ra và lan rộng trên phố Wall, đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 9/9/2016 và lần đầu tiên kể từ cuối tháng 4, chỉ số này xuống dưới đường trung bình 50 ngày.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng vọt lên mức 15,34, mức cao nhất kể từ ngày 18/4.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Dow Jones giảm 372,82 điểm (-1,78%), xuống 20.606,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,64 điểm (-1,82%), xuống 2.357,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 158,63 điểm (-2,57%), xuống 6.011,24 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, những bất ổn chính trị tại Mỹ đã khiến chứng khoán châu Âu có phiên chao đảo với sắc đỏ bao trùm các bảng điện tử. Chốt phiên thứ Tư, chứng khoán châu Âu có phiên giảm tồi tệ nhất trong vòng 8 tháng qua.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 18,56 điểm (-0,25%), xuống 7.503,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 172,92 điểm (-1,35%), xuống 12.631,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 88,21 điểm (-1,63%), xuống 5.317,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ dữ liệu nhà ở kém khả quan của Mỹ được công bố trước đó, khiến đồng USD giảm so với đồng yên, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm điểm với biên độ giảm mạnh hơn phiên trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm điểm trong phiên thứ Tư, nhưng mức giảm nhẹ hơn nhiều nhờ dòng tiền chảy từ Trung Quốc đại lục sang tiếp tục duy trì ở mức tốt. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 104,94 điểm (-0,53%), xuống 19.814,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 42,31 điểm (-0,17%), xuống 25.293,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,52 điểm (-0,27%), xuống 3.104,44 điểm.

Những lo lắng, bất ổn về chính trị khiến chứng khoán lao dốc, lại là thông tin tốt với vàng. Trong phiên thứ Tư, dòng tiền đã ồ ạt chảy vàng vàng như là nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt lên mức cao nhất 2 tuần, vượt qua ngưỡng 1.260 USD/ounce.

Kết thúc phiên 17/5, giá vàng giao ngay tăng 24,2 USD (+1,96%), lên 1.260,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 22,3 USD (+1,80%), lên 1.258,7 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, giá dầu đã nhanh chóng tăng trở lại, lên mức cao nhất 2 tuần sau phiên giảm nhẹ trước đó. Giá dầu tăng trở lại khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,8 triệu thùng trong tuần trước, dù thấp hơn mức dự báo 2,4 triệu thùng, nhưng đây là tuần giảm thứ 6 liên tiếp trong kho dự trữ của Mỹ. Kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm trong tuần kết thúc vào ngày 12/5.

Kết thúc phiên 17/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,41 USD/thùng (+0,84%), lên 49,07 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,56 USD (+1,07%), lên 52,21 USD/thùng. 

Tin bài liên quan