Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán lao dốc, vàng, dầu rủ nhau tăng giá

(ĐTCK) Thông tin kinh tế tiêu cực, cùng nỗi lo Hy Lạp khiến chứng khoán Âu, Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Ba, trong khi chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo do quy định vay margin bị thắt chặt. Trong khi đó, nhận được các thông tin hỗ trợ, vàng và dầu rủ nhau tăng giá.

Sau 2 phiên tăng điểm tích cực đầu tiên của tháng 5, phố Wall bước vào phiên giao dịch ngày thứ Ba với thông tin khiến giới đầu tư giật mình.

Theo dữ liệu vừa công bố, thâm hụt thương mại trong tháng 3 của Mỹ lên tới 51,4 tỷ USD, mức cao nhất 6 năm rưỡi và cao hơn con số ước tính của Chính phủ là 45,2 tỷ USD. Điều này làm thị trường cho rằng, nhiều khả năng tăng trưởng trong quý đầu tiên của Mỹ sẽ được điều chỉnh lại thành con số âm, từ mức tăng 0,2% như công bố ban đầu.

Thông tin này khiến giới đầu tư nhanh chóng thoát hàng, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh, trong đó tất cả 10 chỉ số thành phần của S&P 500 đều giảm, bất chấp giá dầu thô tăng mạnh trở lại.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones giảm 142,2 điểm (-0,79%), xuống 17.928,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,03 điểm (-1,18%), xuống 2.089,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 77,60 điểm (-1,55%), xuống 4.939,33 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm mạnh hôm thứ Ba, nhưng mối lo của nhà đầu tư châu Âu lại đến từ Hy Lạp. Giới đầu tư lo lắng về những bế tắc trong nỗ lực của Hy Lạp để tìm kiếm một thỏa thuận với các chủ nợ do những khác biệt còn quá lớn giữa 2 bên.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 58,37 điểm (-0,84%), xuống 6.927,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 292,17 điểm (-2,51%), xuống 11.327,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 107,90 điểm (-2,12%), xuống 4.974,07 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, hoạt động bán tháo đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, kéo theo chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh theo, xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Trung Quốc đại lục đã có chuỗi tăng điểm mạnh kể từ cuối năm ngoái, bất chấp các dữ liệu kinh tế của nước này được công bố kém khả quan. Tuy nhiên, trong phiên hôm qua, các phương tiện truyền thông nước này cho biết, một số công ty môi giới chứng khoán thắt chặt quy định cho vay margin làm kích hoạt lệnh bán tháo, khiến chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất gần 4 tháng.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 368,28 điểm (-1,31%), xuống 27.755,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 181,76 điểm (-4,06%), xuống 4.298,71 điểm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong phiên châu Á, giá vàng đã nới rộng đà tăng khi bước vào phiên Mỹ với các thông tin hỗ trợ bên ngoài. Đầu tiên là thông tin thậm hụt thương mại của Mỹ, làm gia tăng vai trò trú ẩn rủi ro của vàng, tiếp đến là đồng USD giảm trở lại sau 2 phiên hồi phục từ mức thấp gần 3 tháng và cuối cùng là giá dầu thô tăng mạnh.

Một báo cáo mới cho biết, nhu cầu vàng tại Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5, lên đến 80%, do giá vàng thấp hơn và giảm bớt hạn chế của chính phủ về nhập khẩu vàng. Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.

Kết thúc phiên 5/5, giá vàng giao ngay tăng 5,2 USD (+0,44%), lên 1.193,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,4 USD/ounce (+0,54%), lên 1.193,2 USD/ounce.

Sau 2 phiên điều chỉnh nhẹ, giá dầu đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn bởi lượng dầu xuất đi từ cảng phía Đông Libya bị dừng lại, trong khi Ả Rập Xê Út tăng giá bán dầu của mình đối với các khách hàng Mỹ và Tây Bắc Âu. Lần dầu tiên kể từ tháng 12/2014, giá dầu thô Mỹ vượt qua ngưỡng 60 USD/thùng, còn dầu Brent leo lên 68 USD/thùng. Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm lại cuối phiên do sản lượng khai thác của OPEC gia tăng.

Với việc vượt lên các ngưỡng mới 60 và 68 USD/thùng trong năm, giới phân tích cho rằng, giá dầu có thể tăng lên mức cao hơn nữa, nếu Mỹ công bố kho dự trữ dầu vào thứ Tư này sụt giảm.

Kết thúc phiên 5/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,47 USD/thùng (+2,43%), lên 60,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,07 USD (+1,58%), lên 67,52 USD/thùng.

Tin bài liên quan