Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán khởi sắc, chặn đà tăng của giá vàng

(ĐTCK) Sau 2 phiên điều chỉnh, chứng khoán toàn cầu đã có phiên khởi sắc trong ngày thứ Năm, làm giảm tính hấp dẫn của vàng.

Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 9 giảm mạnh nhất trong 8 tháng do giá xăng giảm. Tuy nhiên, CPI lõi, tức không gồm chi phí thực phẩm và năng lượng vẫn tăng vững chắc. Trong khi đó, đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động đang tốt hơn.

Việc làm phát thấp cũng như dữ liệu bán lẻ thất vọng được công bố hôm thứ Tư càng củng cố cho khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, giúp giới đầu tư tự tin hơn rót tiền trở lại trong phiên thứ Năm, giúp phố Wall có sắc xanh ngay khi mở cửa phiên.

Đà tăng của thị trường càng mạnh hơn về sau khi Citi group công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan hơn dự báo, tăng 4,4% và kéo nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tăng mạnh, ngay cả Goldman Sachs cũng tăng tới 3% dù kết quả kinh doanh yếu kém. Kết thúc phiên, nhóm tài chính tăng tới 2,3%, hỗ trợ đặc lực cho phố Wall có phiên khởi sắc và lên cao nhất 8 tuần trong ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones tăng 217,00 điểm (+1,28%), lên 17.141,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,62 điểm (+1,49%), lên 2.023,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 87,25 điểm (+1,82%), lên 4.870,10 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng bật tăng trở lại một cách mạnh mẽ trong ngày thứ Năm sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó nhờ kết quả kinh doanh quý III ấn tượng của một số doanh nghiệp niêm yết vừa công bố.

Trong khi phố Wall được sự hỗ trợ từ Citi group và nhóm tài chính, thì chứng khoán châu Âu lại được hỗ trợ của Unilever và nhóm ngành tiêu dùng, cũng như của Casino và nhóm ngành bán lẻ. Chính nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của 2 tập đoàn này đã kéo nhóm tiêu dùng và bán lẻ tăng mạnh, qua đó hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu bật tăng mạnh.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 69,06 điểm (+1,10%), lên 6.338,67 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 148,95 điểm (+1,50%), lên 10.064,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 66,26 điểm (+1,44%), lên 4.675,29 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù không nhận được sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn lớn như phố Wall hay chứng khoán châu Âu, nhưng chứng khoán Nhật Bản cũng hồi phục khá tốt trong phiên thứ Năm sau khi có phiên giảm mạnh trước đó sau báo cáo niềm tin nhà sản xuất của Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 10. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu phòng thủ khi nhà đầu tư hướng dòng tiền vào đây để phòng tránh rủi ro trước khả năng suy thoái kéo dài của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại có phiên tăng mạnh khi nhà đàu tư kỳ vọng vào việc Bắc Kinh sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế mới trước hàng loạt dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa được công bố trong thời gian qua.

Từ ngày 26 đến 29/10 tới đây, Trung Quốc sẽ có cuộc họp quan trọng để bàn về kế hoạch kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và mọi người đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ có chương trình kích thích kinh tế mới bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích đầu tư vào hạ tầng.

Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 205,9 điểm (+1,15%), lên 18.096,9 đểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 448,26 điểm (+2,00%), lên 22.888,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 75,63 điểm (+2,32%), lên 3.338,07 điểm.

Trên thị trường vàng, tưởng chừng các thông tin kinh tế yếu kém sẽ tiếp tục nâng bước giá vàng có phiên tăng tiếp theo để hướng tới các đỉnh cao mới, thì việc chứng khoán khởi sắc trở lại đã chặn đà tăng của giá vàng.

Ngoài việc giảm sự hấp dẫn do chứng khoán tăng mạnh, giá vàng còn đang phải đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 USD/ounce. Ngoài ra, giới đầu tư trên thị trường vàng còn e ngại sau khi báo cáo về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước và tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức thấp nhất 40 năm, lại làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất trở lại. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ đủ cản bước tăng mạnh của giá vàng, chứ không khiến giá kim loại quý này giảm quá mạnh khi giá vàng giao ngay đóng cửa sát mức đóng cửa phiên trước đó, còn giá vàng tương lai giao tháng 12 vẫn duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 15/10, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD (-0,08%), xuống 1.183,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7,7 USD (+0,65%), lên 1.187,5 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau tuần tăng ấn tượng trước đó, vượt qua ngưỡng 50 USD/thùng, giá dầu thô lại liên tiếp đón nhận các thông tin không tích cực trong tuần này. Sau khi OPEC cho biết, sản lượng cung cấp ra thị trường trong tháng 9 của tổ chức này tăng 110.000 thùng/ngày, đến lượt Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) dự báo dư cung sẽ còn tồn tại trong hơn 1 năm nữa và nhu cầu sẽ yếu. Trong phiên thứ Năm đang nỗ lực hồi phục trở lại sau các thông tin tiêu cực trên, giá dầu thô lại bị dội gáo nước lạnh khi Cơ quan năng lương Mỹ (EIA) cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tới 7,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/10, hơn gấp đôi so với con số dự đoán 2,9 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 15/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,26 USD/thùng (-0,56%), xuống 46,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,44 USD (-0,90%), xuống 48,71 USD/thùng.

Tin bài liên quan