Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán Indonesia tập trung chiến lược thu hút người trẻ

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Indonesia đã gặp một vấn đề lớn, đó là khó khăn khi thu hút các nhà đầu tư cá nhân, nhưng mọi chuyện đang thay đổi. Đây không phải bài toán riêng của thị trường này, mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vậy giải pháp của Indonesia là gì? Câu trả lời là tập trung “tầm ngắm” vào thế hệ Millennials.

Thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, đồng thời là lực lượng lao động chủ lực của hiện tại và tương lai. Đây cũng chính là đối tượng mà giới chức chứng khoán Indonesia đã và đang nhắm tới để thu hút gia nhập thị trường.

Dù sự tham gia thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân của Indonesia còn thấp so với các quốc gia châu Á khác, nhưng những nhà đầu tư trong độ tuổi từ 21-30 đang chiếm tới 26%, mức lớn nhất trong số các nhóm tuổi, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Indonesia.

Để làm được điều này, sàn chứng khoán có tuổi đời cả thế kỷ đã có những chiến lược khá độc đáo: Tổ chức các buổi biểu diễn nhạc trẻ ngay tại sàn giao dịch, tổ chức các cuộc thi chụp ảnh, sáng tác tác phẩm bằng ảnh và trưng bày tại sàn giao dịch. Tất cả đều nhằm mục tiêu thu hút người trẻ, những nhà đầu tư đầy tiềm năng.

Niken Dewanti và Gita Astika, đều là sinh viên đại học, là hai trong số hàng trăm người trẻ đang say sưa trong các giai điệu của nhạc sỹ người địa phương Glenn Fredly. Buổi biểu diễn được tổ chức ngay tại trung tâm của Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia, với sự tham gia của rất nhiều công ty chứng khoán và đại diện giới quản lý. Tại đây, bên cạnh việc thưởng thức âm nhạc, các bạn trẻ được các nhà phân tích tư vấn cách thức để tối ưu hóa lợi nhuận từ cổ phiếu mình đang nắm giữ.

“Nếu gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, tôi có thể dễ dàng sử dụng hết và mức lãi không cao. Bắt đầu từ bây giờ, tôi muốn chuyển một phần tiết kiệm của mình vào chứng khoán”, Dewanti, 20 tuổi, cho biết.

Nhà đầu tư cá nhân, lực lượng chiếm đa số tại một số thị trường chứng khoán, chiếm khoảng 41% tổng doanh thu tại thị trường chứng khoán Indonesia trong năm 2016, so với con số hơn 80% tại Đài Loan và 59% tại Thái Lan.

Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng tạo nên sự ổn định của thị trường, có tác dụng như bệ đỡ khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, như những gì đang xảy ra tại Indonesia ở thời điểm hiện tại. Kể từ đầu năm 2017 tới nay, các nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường Indonesia, với số tiền bị rút ra khỏi thị trường đạt mức kỷ lục.

Nguyên nhân là bởi thị trường chứng khoán Indonesia đang là một trong những thị trường đắt đỏ nhất tại châu Á. Chỉ số chứng khoán chính Jakarta Composite Index đang giao dịch ở P/E 16 lần, cao thứ ba tại châu Á và chỉ sau Ấn Độ và Philippines.

“Giới chức Indonesia đang chịu áp lực nâng cao số lượng nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh thị trường bị 'thống trị' bởi các quỹ lương hưu và các nhà đầu tư tổ chức khác. Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân càng lớn thì thị trường sẽ càng ổn định”, John Teja, Giám đốc PT Ciptadana Sekuritas Asia cho biết.

Theo các chuyên gia, chiến lược nhắm vào thế hệ Millennials của giới chức Indonesia là bước đi đúng đắn. Norico Gaman, Giám đốc Nghiên cứu tại PT BNI Sekuritas cho rằng: “Thế hệ Millennials là những người dám chấp nhận rủi ro hơn nhiều so với các nhóm dân cư khác. Đồng thời, đây cũng là thế hệ có nhiều kiến thức hơn về các thị trường tài chính nói riêng và kinh tế nói chung so với thế hệ trước. Với việc đặt tầm ngắm vào đối tượng này, thị trường chứng khoán Indonesia có thể tăng trưởng bền vững trong dài hạn và nền kinh tế quốc gia cũng được hưởng lợi khi đón nhận dòng vốn từ thị trường chứng khoán”.

Mặc dù số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường đã tăng lên, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, bởi con số vẫn còn khá nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân tại Indonesia mới chỉ nắm giữ 8,2% khối lượng cổ phiếu trên sàn vào tháng 9/2017, so với mức 5,9% vào cuối năm 2014, theo số liệu mới nhất của Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia, trong khi lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài giảm từ 64,3% xuống 52,2% trong cùng giai đoạn.

Tin bài liên quan