Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán hồi phục, vàng, dầu quay đầu

(ĐTCK) Trong khi kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp chứng khoán hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp, thì lo ngại Fed tăng lãi suất đẩy đồng USD lên cao, kéo vàng và dầu giảm trở lại.

Theo dữ liệu vừa công bố, bảng lương trong khu vực tư nhân của Mỹ tạo thêm 185.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn dự báo của giới phân tích, báo hiệu bảng lương phi nông nghiệp không khả quan như dự đoán. Tuy nhiên, hoạt động trong ngành công nghiệp dịch vụ (ISM) của Mỹ lại tăng lên mức cao nhất 10 năm cho thấy sự vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới, củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay.

Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chính thức từ bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 được công bố vào thứ Sáu để dự báo động thái tiếp theo của Fed.

Trong khi dữ liệu kinh tế hỗn hợp và nhà đầu tư đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp, thì phố Wall đã kịp thời có phiên hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chính nhóm cổ phiếu này đã khiến phố Wall giảm điểm liên tiếp những ngày qua do dự báo kết quả kinh doanh kém khả quan. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Thomson Reuters lĩnh vực công nghệ trong S&P 500 được dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận 5,3% trong quý II, tăng so với mức 2,1% được đưa ra trước đó vào ngày 1/7.

Dù vậy, chỉ số Dow Jones vẫn đóng cửa giảm nhẹ và đà tăng của S&P 500, cùng Nasdaq bị hãm bớt do ảnh hưởng của nhóm truyền hình cáp. Ảnh hưởng này bắt nguồn từ Disney khi hãng cắt giảm dự báo lợi nhuận cho mảng cáp của mình, khiến giá cổ phiếu giảm 9,2%, xuống 110,53 USD/CP, mức giảm mạnh nhất kể từ 1/12/2008.

Từ sự sụt giảm mạnh của Disney đã lây lan sang các cổ phiếu cùng ngành khác như Discovery Commincations (giảm 12,1%), Twenty-Frist Century Fox (giảm 7%).

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones giảm 10,22 điểm (-0,06%), xuống 17.540,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,52 điểm (+0,31%), lên 2.099,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 34,4 điểm (+0,67%), lên 5.139,94 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nhóm cổ phiếu tài chính với kết quả kinh doanh khả quan. Nhóm cổ phiếu ô tô vốn giảm mạnh do lo ngại về suy giảm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ cũng hồi phục, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ cũng ổn định trở lại nhờ ảnh hưởng từ Apple.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 65,84 (+0,98%), lên 6.752,41 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 180,23 điểm (+1,57%), lên 11.636,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 84,59 điểm (+1,65%), lên 5.196,73 điểm.

Lợi nhuận tích cực của một số doanh nghiệp xây dựng và bất động sản cũng giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, trong khi chứng khoán Trung Quốc đảo chiều sau phiên hồi mạnh trước đó nhờ lệnh cấm bán khống của nhà chức trách. Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhẹ trong phiên thứ Tư, thoát khỏi sự ảnh hưởng của chứng khoán đại lục nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành tiêu dùng.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 93,70 điểm (+0,46%), lên 20.614,06  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 108,04 điểm (+0,44%), lên 24.514,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 61,97 điểm (-1,65%), xuống 3.694,57 điểm.

Trên thị trường vàng, việc chỉ số ISM trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng lên mức cao nhất 10 năm và dự báo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 đạt con số 215.000 việc làm khiến đồng USD tăng mạnh, cùng việc giá dầu đang ở mức thấp nhất 4 tháng đã đẩy giá vàng giảm trở lại, dù trước đó đã hồi phục khá tích cực.

Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay giảm 3 USD (-0,28%), xuống 1.084,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5 USD/ounce (-0,46%), xuống 1.087,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,3 USD (-0,03%), xuống 1.085,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau phiên hồi phục hôm thứ Ba, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Tư do đồng USD tăng mạnh.

Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,59 USD/thùng (-1,31%), xuống 45,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,40 USD (-0,81%), xuống 49,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan