Chứng khoán giảm, giá vàng tiếp tục thăng hoa

Chứng khoán giảm, giá vàng tiếp tục thăng hoa

(ĐTCK) Căng thẳng địa chính trị khiến giới đầu tư lo lắng, đẩy thị trường chứng khoán giảm, trong khi đây lại là động lực cho giá vàng lên mức cao nhất 5 tháng.

Sau 4 phiên lình xình, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư lo lắng về những căng thẳng địa chính trị gần đây. Ngoài ra, ý kiến của Tổng thống Donald Trump về lãi suất và sức mạnh của đồng USD cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

Trả lời Wall Street Journal, ông Trump cho rằng đồng USD "đang trở nên quá mạnh", mặc dù ông cũng muốn lãi suất ở mức thấp.
Trong khi đó, nhà đầu tư lại không thích những gì không chắc chắn nên đã bán ra để chuyển sang kênh đầu tư trú ẩn an toàn khác là vàng.
 Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Dow Jones giảm 59,44 điểm (-0,29%), xuống 20.591,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,85 điểm (-0,38%), xuống 2.344,93 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 30,61 điểm (-0,52%), xuống 5.836,16 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giữ được sự ổn định trong phiên thứ Tư nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu quốc phòng sau những căng thẳng địa chính trị gần đây. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn nhận được sự hỗ trợ của cổ phiếu Syngenta kế hoạch mua lại hãng dược Thụy Sĩ  này của Tập đoàn ChemChina, trị giá 43 tỷ USD được các nhà quản lý Trung Quốc chấp thuận.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,51 điểm (-0,22%), xuống 7.348,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 15,35 điểm (+0,13%), lên 12.154,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,75 điểm (-0,01%), xuống 5.101,11 điểm.

Lo ngại về căng thẳng địa chính trị cùng đồng yên tăng khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 4 tháng. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng quay đầu giảm sau khi nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thông tin xây dựng đặc khu kinh tế mới Hùng An ở tỉnh Hà Bắc bị chốt lời mạnh.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp bằng phiên tăng khá mạnh sau thông tin về kế hoạch tích hợp mạnh hơn các nền kinh tế phía Nam Trung Quốc, Hồng Kông, Macau.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 195,26 điểm (-1,04%), xuống 18.552,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 255,04 điểm (+0,93%), lên 24.313,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,14 điểm (-0,46%), xuống 3.273,83 điểm.

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tiếp tục tăng thêm 1% trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 5 tháng sau khi đã tăng 2% trong phiên giao dịch trước.

Kết thúc phiên 10/4, giá vàng giao ngay tăng 12,6 USD (+0,99%), lên 1.286,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 12,4 USD (+0,97%), lên 1.288,9 USD/ounce.

Trong khi đó, chuỗi tăng kéo dài 8 ngày liên tiếp của giá dầu thô đã bị chặn lại trong phiên thứ Tư sau thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ được công bố tiếp tục tăng trong tuần trước. Cụ thể, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô tại trung tâm Cushing, Oklahoma tuần trước tăng thêm 276.000 thùng. Tuy nhiên, kho dự trữ dầu thô của Mỹ lại bất ngờ giảm 2,2 triệu thùng do nhập khẩu giảm 717.000 thùng/ngày trong tuần trước. Vì vậy, dù điều chỉnh trở lại sau 8 phiên tăng liên tiếp, nhưng đà giảm của giá dầu thô không mạnh.

Kết thúc phiên 10/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,29 USD/thùng (-0,55%), xuống 53,11 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,66%), xuống 55,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan