Thị trường tài chính toàn cầu khởi sắc trong phiên cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm yếu của Mỹ (Ảnh: AFP)

Thị trường tài chính toàn cầu khởi sắc trong phiên cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm yếu của Mỹ (Ảnh: AFP)

Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đua nhau khởi sắc

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm của Mỹ bất ngờ yếu hơn dự kiến giúp khả năng Fed tăng lãi suất ít đi, qua đó giúp chứng khoán, giá vàng và cả dầu thô khởi sắc trong phiên cuối tuần qua.

Thông tin quan trọng, được chờ đợi nhất của giới đầu tư trong tuần qua là Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ đã được Bộ Lao động Mỹ công bố trong phiên cuối tuần.

Theo đó, số lượng việc làm tạo mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8 chỉ là 151.000, thấp hơn con số dự báo 180.000 của giới phân tích. Số lượng việc làm trong tháng 7 được điều chỉnh lại là 275.000 việc làm. Như vậy, sau khi khởi sắc trong tháng 7, thị trường lao động đã bất ngờ suy yếu trong tháng 8, cùng với dữ liệu ISM trong lĩnh vực sản xuất lần đầu tiên sau 6 tháng xuống dưới mức 50 - mức cho thấy sự suy giảm - được công bố trong ngày thứ Năm, khiến khả năng Fed tăng lãi suất lại thấp đi.

Theo công cụ dự báo FedWatch của CME Group, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm xuống 21% so với mức 24% trong ngày thứ Năm. Tuy nhiên, khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 lại tăng lên mức 54,2%, từ mức 53,6%.

Chính nhờ khả năng Fed tăng lãi suất thấp trở lại đã giúp giới đầu tư cởi bỏ được sự lo lắng và tích cực mua vào, giúp phố Wall có phiên tăng thứ 2 liên tiếp.

Ngoài ra, giá dầu thô hồi phục mạnh cũng giúp nhóm cổ phiếu năng lượng trở lại, qua đó cũng hỗ trợ cho chứng khoán.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Dow Jones tăng 72,66  điểm (+0,39%), lên 18.491,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,12 điểm (+0,42%), lên 2.179,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,69 điểm (+0,43%), lên 5.249,90 điểm.

Với 2 phiên hồi phục cuối tuần đã giúp phố Wall chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,52%, chỉ số S&P 500 tăng 0,50% và chỉ số Nasdaq tăng 0,59%.

Thông tin về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố yếu hơn dự kiến cũng hỗ trợ tích cực cho chứng khoán châu Âu, thậm chí chứng khoán khu vực này còn khởi sức hơn phố Wall trong phiên cuối tuần trước. Phiên khởi sắc cuối tuần giúp chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 5.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 148,63 điểm (+2,20%), lên 6.894,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 149,51 điểm (+1,42%), lên 10.683,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 102,5 điểm (+2,31%), lên 4.542,17 điểm.

Phiên khởi sắc cuối tuần đã cứu chứng khoán châu Âu tránh khỏi tuần giảm điểm. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,83%, chỉ số DAX tăng 0,91%, trong khi chỉ số CAC 40 tăng tới 2,26%. Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của chứng khoán châu Âu.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ khiến chứng khoán Nhật Bản chỉ dao động lình xình và đóng cửa gần như không đổi. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục khởi sắc, lên mức cao nhất hơn 1 năm với thông tin sắp liên thông với sàn chứng khoán Thâm Quyến sau khi đã liên thông với sàn Thượng Hải trước đó, giúp tăng kỳ vọng dòng vốn từ Trung Quốc đại lục sẽ chảy mạnh với thị trường chứng khoán Hồng Kông. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên giảm mạnh trước đó khi nhà đầu tư đang kỳ vọng sẽ có những thông tin tích cực từ cuộc họp của G20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,16 điểm (-0,01%), xuống 16.925,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 104,36 điểm (+0,45%), lên 23.266,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,19 điểm (+0,14%), lên 3.067,50 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 hồi phục mạnh 3,45%, lấy lại được hết những gì đã mất trong 2 tuần trước đó. Chỉ số Hang Seng cũng hồi phục 1,56% sau khi giảm nhẹ 0,12% tuần trước đó, trong khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,1% giá trị.

Trên thị trường vàng, thông tin bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ bất ngờ yếu kém là thông tin không thể tốt hơn với giá vàng. Giá kim loại quý này đã tăng dựng đứng khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, sau đó, dù hạ nhiệt, nhưng nhanh chóng lấy lại đà tăng để chốt phiên ở sát mức 1.325 USD/ounce.

Kết thúc phiên 2/9, giá vàng giao ngay tăng 11,2 USD (+0,85%), lên 1.324,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 11,7 USD (+0,89%), lên 1.328,8 USD/ounce.

Cũng giống chứng khoán, 2 phiên khởi sắc cuối tuần đã giúp giá vàng hồi phục trở lại sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,33% và giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,36% trong tuần vừa qua.

Với thông tin hỗ trợ vừa công bố, đa số nhà phân tích và nhà đầu tư đều có cái nhìn rất tích cực về giá vàng trong tuần này.

Trong 13 nhà phân tích và môi giới trả lời, có tới 8 người, tương đương 62%, cao hơn nhiều mức 39% của tuần trước dự báo giá vàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần này, trong khi chỉ có 2 người, chiếm 15%, thấp hơn nhiều con số 46% của tuần trước dự báo giá vàng sẽ giảm và 3 người, tỷ lệ 23% dự báo giá kim loại quý sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong số 1.091 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 626 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, tương đương với tuần trước, trong khi có 311 người, chiếm 29% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 154 người, chiếm 14%.

Cũng giống giá vàng và chứng khoán, việc dữ liệu việc làm của Mỹ bất ngờ kém hơn dự báo khiến đồng USD giảm, qua đó hỗ trợ cho cac hàng hóa được định giá bằng đồng bạc này, trong đó có giá dầu. Với sự hỗ trợ này, giá dầu thô đã phục hồi gần 3% trong phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 2/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,28 USD/thùng (+2,88%), lên 44,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,38 USD (+2,95%), lên 46,83 USD/thùng.

Dù có phiên hồi phục ấn tượng cuối tuần, những chỉ đủ giúp giá dầu thô bớt đi phần nào thiệt hại, chứ không thể giúp giá nhiên liệu này tránh khỏi tuần giảm mạnh trong tuần vừa qua do tác động từ nỗi lo dư cùng. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm tới 6,72%, trong khi giá dầu thô Brent cũng mất 6,19%. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của giá dầu thô.

Tin bài liên quan