Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng mạnh

Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng mạnh

(ĐTCK) Trong tuần trước, với những thông tin hỗ trợ, đặc biệt là việc các ngân hàng Trung ương phát tín hiệu không thắt chặt chính sách tiền tệ như lo ngại, đã giúp chứng khoán và giá vàng tăng vọt. Giá dầu thô cũng có tuần tăng mạnh với thông tin hỗ trợ từ Trung Quốc.

Dữ liệu vừa công bố cho thấy, giá tiêu dùng của Mỹ không thay đổi trong tháng 6 và doanh số bán lẻ giảm trong tháng thứ hai liên tiếp với mức giảm 0,2% trong tháng 6, làm kìm hãm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý II/2017 của Mỹ.

Dữ liệu kinh tế mới này, cùng với phát biểu trước đó của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed khiến khả năng Fed tăng thêm lãi suất giảm đi, giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Sáu tuần trước, trong đó Dow Jones và S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 84,65 điểm (+0,39%), lên 21.637,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,44 điểm (+0,47%), lên 2.459,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 38,03 điểm (+0,61%), lên 6.312,46 điểm.

Với chuỗi tăng điểm ấn tượng sau tín hiệu Fed sẽ không thắt chặt thêm chính sách tiền tệ, phố Wall đã có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp với biên độ tăng mạnh hơn rất nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,04%, S&P 500 tăng 1,41% và Nasdaq thậm chí tăng mạnh 2,59%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính chủ yếu lình xình quanh tham chiếu trong phiên cuối tuần trước khi đóng cửa giảm nhẹ. Dù vậy, chứng khoán khu vực này vẫn có tuần tăng điểm mạnh khi nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán sau khi nhận thấy các ngân hàng Trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ như lo ngại.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,05 điểm (-0,47%), xuống 7.378,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 9,61 điểm (-0,08%), xuống 12.631,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,09 điểm (-0,00%), xuống 5.235,31 điểm.

Cũng giống như phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau 4 tuần giảm liên tiếp trước đó nhờ các ngân hàng Trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 0,37%, DAX tăng 1,96% và CAC 40 cũng tăng 1,75%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng được duy trì, trong đó chứng khoán Nhật Bản chỉ tăng nhẹ do cổ phiếu của nhà bán lẻ lớn thứ 3 thế giới, Fast Retailing Co, chủ chuỗi quần áo Uniqlo, giảm mạnh sau báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng.

Chứng khoán Hồng Kông dù đã hãm mạnh đà giảm so với phiên thứ Năm, nhưng cũng ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục.

Tương tự, với sự hỗ trợ của các bluechip giúp chứng khoán Trung Quốc duy trì đà tăng nhờ dữ liệu thương mại khả quan và dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt kế hoạch. Dù vậy, đà tăng cũng bị hãm lại do nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc các công ty khởi nghiệp lao dốc.

Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 19,05 điểm (+0,09%), lên 20.118,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,06 điểm (+0,16%), lên 26.389,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,25 điểm (+0,13%), lên 3.222,42 điểm.

Sau khi liên tiếp có diễn biến trái chiều, trong tuần qua, chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng điểm, trong đó chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều tăng điểm với mức tăng tốt nhất kể từ giữa tháng 7/2016. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikke 225 tăng 0,95%, chỉ số Hang Seng tăng 4,14%, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng 0,15%.

Trên thị trường vàng, với việc khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất thêm lần nữa trong cuộc họp kế tiếp sau dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ, giá vàng đã có phiên nhảy vọt trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 14/7, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD (+0,91%), lên 1.228,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 10,2 USD/ounce (+0,84%), lên 1.227,5 USD/ounce.

Nhờ phiên tăng vọt cuối tuần, đã củng cố thêm đà tăng cho giá vàng trong tuần qua, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp trước đó, đặc biệt là tuần lao dốc liền trước. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 1,34% sau khi giảm 2,34% trong tuần trước đó; giá vàng tương lai giao tháng 8 cũng hồi 1,29% sau khi giảm 2,45% trong tuần trước đó.

Với những diên biến hiện tại và dữ liệu kinh tế vừa công bố, giới phân tích và cả nhà đầu tư đã có cái nhìn tích cực hơn nhiều về xu hướng của giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 13 người, chiếm 68% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn nhiều so với con số 21% của tuần trước. Trong số người dự báo giảm và đi ngang cùng là 3 người, chiếm 16%. Trong tuần trước, số người dự báo giảm lên tới 68%.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 808 người tham gia, trong đó có 394 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 49%, nhỉnh hơn so với con số chiếm 47% của tuần trước; 296 người, chiếm 37% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn con số 40% của tuần trước; 118 lượt, chiếm tỷ lệ 15% giữ quan điểm trung lập.

Tương tự, giá dầu thô cũng duy trì được đà tăng trong phiên cuối tuần khi số liệu vừa công bố cho thấy, số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần trước đó chỉ tăng thêm 2 chiếc, trong khi nhu cầu của Trung Quốc tăng. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi lượng cung toàn cầu vẫn đang tăng.

Kết thúc phiên 14/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,46 USD/thùng (+0,99%), lên 46,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,49 USD (+1,00%), lên 48,91 USD/thùng.

Với thông tin hỗ trợ từ nhu cầu gia tăng của Trung Quốc, giá dầu thô đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 5,22% và giá dầu thô Brent tăng 4,71%.

Tin bài liên quan