Dữ liệu việc làm đem lại niềm vui cho giới đầu tư phố Wall trong phiên 3/2 (Ảnh minh họa: AFP)

Dữ liệu việc làm đem lại niềm vui cho giới đầu tư phố Wall trong phiên 3/2 (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt tăng mạnh

(ĐTCK) Báo cáo việc làm khả quan và sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu tài chính giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua. Giá vàng và dầu thô cũng có được sắc xanh để ghi nhận tuần giao dịch tích cực của mình.

Theo báo cáo việc làm vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố thứ Sáu tuần trước (3/2), trong tháng trước, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 227.000 việc làm, cao hơn con số 175.000 việc làm như dự báo của giới phân tích.

Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tháng trước ở mức 4,8%, trong khi mức lương trung bình mỗi giờ chỉ tăng 0,1%.

Dữ liệu tích cực về việc làm đã hỗ trợ đắc lực cho phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần trước, trong đó chỉ số Dow Jones trở lại được với mốc 20.000 điểm.

Ngoài dữ liệu việc làm, trong phiên cuối tuần trước, phố Wall còn nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần tiến tới việc thực hiện lời hứa khi tranh cử của mình là bãi bỏ một số quy định đối với lĩnh vực ngân hàng.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Dow Jones tăng 186,55 điểm (+0,94%), lên 20.071,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,57 điểm (+0,73%), lên 2.297,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 30,57 điểm (+0,54%), lên 5.666,77 điểm.

Phiên phục hồi mạnh cuối tuần đã giúp S&P 500 và Nasdaq tranh khỏi tuần giảm điểm khi cả 2 chỉ số này có mức tăng nhẹ 0,12% và 0,11%. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones vẫn không tránh khỏi tuần giảm điểm khi mất 0,11%.

Dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ cũng giúp chứng khoán châu Âu cũng  phục hồi trở lại sau phiên giảm hôm thứ Năm. Ngoài ra, thông tin tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết cũng hỗ trợ cho đà phục hồi của các chỉ số chính trong khu vực.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 47,55 điểm (+0,67%), lên 7.188,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 23,54 điểm (+0,20%), lên 11.651,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,13 điểm (+0,65%), lên 4.825,42 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng nhẹ 0,05%, trong khi chỉ số DAX giảm tới 1,38% và chỉ số CAC 40 cũng mất 0,38% giá trị.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên cuối tuần không mấy thay đổi khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ để tiên lượng chính sách sắp tới của Fed.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp do những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cũng như những chính sách thắt chặt tiền tệ từ Trung Quốc đại lục. Sự sụt giảm giá cả của các loại hàng hóa trên sàn giao dịch Thượng Hải khiến cổ phiếu của các công ty nguyên vật liệu Trung Quốc niêm yết tại sàn Hồng Kông sụt giảm là một trong những tác nhân chính khiến chỉ số Hang Seng kéo dài chuỗi giảm điểm từ sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều sau 5 phiên tăng liên tiếp ngay phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết kéo dài khi Bắc Kinh bất ngờ nâng lãi suất ngắn hạn.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Nikkie 225 tăng 3,62 điểm (+0,02%), lên 18.918,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 55,31 điểm (-0,24%), xuống 23.129,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,51 điểm (-0,59%), xuống 3.140,65 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 2,82%. Với 3 phiên giảm liên tiếp trong tuần sau kỳ nghỉ Tết, chỉ số Hang Seng chỉ mất 0,99%. Trong khi với phiên giao dịch duy nhất giảm 0,59% cuối tuần, cũng là số điểm mà Shanghai Composite giảm trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Bất chấp dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong thời gian tới và đồng USD phiên phục hồi thứ 2 liên tiếp, nhưng giá vàng vẫn có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 3/2, giá vàng giao ngay tăng 4,1 USD (+0,34%), lên 1.219,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 3 USD (+0,25%), lên 1.219,7 USD/ounce.

Sau tuần giảm trước đó, cắt đứt chuỗi mạch tăng 4 tuần liên tiếp, giá vàng đã lấy lại đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 2,38% và giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 2,41%.

18 nhà môi giới và phân tích tham trả lời trong cuộc thăm dò lần này, trong đó có 13 người, tương đương 72% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi chỉ có 3 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 17% và 2 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, tương đương 11%.

Trong khi đó, số người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến tuần này lại tăng vọt với 2.234 lượt người. Trong đó, có 1.430 người, chiếm 64% dự báo giá vàng sẽ tăng, 607 người, chiếm 27% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 197 người, chiếm 9% giữ quan điểm trung lập.

Sau phiên giảm trước đó, giá dầu thô đã phục hồi trở lại sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với 13 cá nhân và 12 tổ chức của Iran sau khi Nhà trắng lên án Tehran về vụ thử tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan được công bố hôm thứ Sáu cũng góp phần giúp giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, qua đó có tuần tăng điểm ấn tượng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô bị ảnh hưởng ít nhiều do thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục có tuần tăng thứ 13 trong 14 tuần vừa qua. Số lượng giàn khoan của Mỹ tăng liên tục thời gian qua sau khi OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng cuối tháng 11/2016, kéo giá dầu thô lên trên 50 USD/thùng.

Kết thúc phiên 3/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,29 USD/thùng (+0,54%), lên 53,83 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,44%), lên 56,81 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,18%, trong khi giá dầu thô Brent tăng tốt hơn với mức 2,47%.

Tin bài liên quan