Cổ phiếu Apple giảm mạnh đã gây sức ép lên phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Cổ phiếu Apple giảm mạnh đã gây sức ép lên phố Wall (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, giá vàng và dầu thô đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tuần, gây sức ép, kéo giá vàng và chứng khoán giảm theo trong phiên thứ Tư.

Thời gian này, kết quả kinh doanh đang là thông tin tác động chính tới diễn biến của phố Wall. Trong phiên thứ Tư, kết quả kinh doanh trái ngược của các doanh nghiệp khiến phố Wall giằng co. Trong đó, việc cổ phiếu Apple giảm 2,2% khi hãng thừa nhận nhu cầu iPhone 7plus cao hơn dự tính, khiến hãng phải cố gắng để theo kịp nhu cầu.

Việc cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất giảm đã gây áp lực lên chỉ số S&P 500 và Nasdaq, trong khi đó, chỉ số Dow Jones lại có được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Boeing khi đại gia sản xuất máy bay này bất ngờ công bố lợi nhuận lạc quan hơn nhiều so với kỳ vọng, dù doanh số tăng chậm hơn. Thông tin vừa công bố khiến cổ phiếu Boeing tăng lên mức cao nhất kể từ 31/12/2015.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vừa công bố trong ngày thứ Tư có kết quả trái ngược nhau, khiến giá cổ phiếu của các hãng này cũng có sự phân hóa.

Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 cho tới nay đã gaay ngạc nhiên theo hướng đi lên, với ước tính tăng trưởng 2,2%, trái ngược với dự đoán giảm 0,5% vào đầu tháng này. Trong số các công ty đã báo cáo, 74% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, cao hơn mức bình quân 70% trong 4 quý vừa qua, theo Thomson Reuters.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow tăng 30,06 điểm (+0,17%), lên 18.199,33 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,73 điểm (-0,17%), xuống 2.139,43 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 33,13 điểm (-0,63%), xuống 5.250,27 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, cũng như thông tin đại gia viễn thông của Anh Vondafone bị phạt khiến các chỉ số chính của khu vực giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư, nhất là chỉ số FTSE 100 tại Anh.

Ngoài ra, theo cuộc thăm dò mới nhất, số lượng doanh nghiệp Anh tự tin về nền kinh tế giảm một nửa sau khi bỏ phiếu Brexit.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 59,55 điểm (-         0,85%), xuống 6.958,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 74,63 (-0,44%), xuống 10.709,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 6,25 điểm (-0,14%), xuống 4.5         34,59 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù chịu tác động của chứng khoán Âu, Mỹ phiên trước khiến chứng khoán Nhật Bản giảm trong thời gian đầu của phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, chỉ số Nikkei 225 đã hồi phục và tiếp tục có phiên tăng nhẹ khi đồng yên yếu củng cố niềm tin của giới đầu tư về sự gia tăng của lĩnh vực xuất khẩu.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại có phiên giảm mạnh nhất 2 tuần do tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của phố Wall và chứng khoán Trung Quốc đại lục. Nhà đầu tư lo lắng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới, cũng như khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 và sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Tương tự, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,59 điểm (+0,15%), lên 17.391,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 239,68 điểm (-1,02%), xuống 23.325,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,63 điểm (-0,50%), xuống 3116,31 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi tăng mạnh trong phiên thứ Ba do có thông tin về việc dòng tiền chảy từ các quỹ ETFs sang, giá vàng đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi giá dầu thô giảm mạnh đang gây sức ép lên các loại nguyên liệu khác, trong đó có vàng.

Kết thúc phiên 26/10, giá vàng giao ngay giảm 6,4 USD (-0,50%), xuống 1.266,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,2 USD (-0,57%), xuống 1.266,6 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Tư bất chấp đồng USD hạ nhiệt sau khi chạm mức cao nhất 8,5 tháng. Giá dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tuần khi giới đầu tư nghi ngờ về một thỏa thuận giảm sản lượng có thể đạt được giữa OPEC và các nhà sản xuất lớn khác ngoài khối, mà điển hình là Nga.

Trong khi đó, theo dữ liệu của EIA, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước chỉ giảm 553.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,7 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,78 USD/thùng (-1,56%), xuống 49,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,81 USD (-1,9%), xuống 49,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan