Phát biểu của bà Yellen khiến giới đầu tư vẫn chưa thể đoán định chính xác chính sách của Fed trong cuộc họp tháng tới

Phát biểu của bà Yellen khiến giới đầu tư vẫn chưa thể đoán định chính xác chính sách của Fed trong cuộc họp tháng tới

Chứng khoán, giá vàng biến động mạnh

(ĐTCK) Phát biểu úp mở về chính sách tiền tệ của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến chứng khoán và giá vàng có phiên biến động mạnh cuối tuần qua, nhưng đóng cửa gần điểm xuất phát. Trong khi đó, giá dầu vẫn giữ được nhiệt với thông tin xung đột vũ trang tại Trung Đông.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, phố Wall đã có phiên đầy biến động do ảnh hưởng thông tin từ bài phát biều của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương tổ chức tại Jackson Hole, Wyoming, nhưng đóng cửa không mấy thay đổi so với phiên trước đó.

Cụ thể, phát biểu tại Jackson Hole, bà Yellen cho biết, điều kiện để tăng lãi suất đã được củng cố nhờ sự cải thiện trong thị trường lao động và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vững chắc, nhưng không khẳng định chắc chắn Fed thời gian tăng lãi suất.

Tuy nhiên, theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên 36% từ mức 21% trong tuần trước, trong khi khả năng cơ quan này tăng lãi suất trong tháng 12 đã tăng từ mức 51,8% lên 63,7%.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones giảm 53,01 điểm (-0,29%), xuống 18.395,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,43 điểm (-0,16%), xuống 2.169,04 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,71 điểm (+0,13%), lên 5.218,92 điểm.

Phố Wall có tuần giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,85%, chỉ số S&P 500 giảm 0,68%, trong khi chỉ số Nasdaq cũng điều chỉnh giảm 0,37%.

Việc bà Yellen không chắc chắn về khả năng tăng lãi suất giúp giới đầu tư châu Âu cởi bỏ tâm lý lo lắng, giúp chứng khoán khu vực này hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,15 điểm (+0,31%), lêng 6.838,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 58,18 điểm (+0,55%), lên 10.587,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 35,26 điểm (+0,80%), lên 4.441,87 điểm.

Phiên phục hồi cuối tuần đã góp phần giúp chứng khoán châu Âu lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh mạnh với mức giảm theo tuần mạnh nhất từ giữa tháng 6 trước đó (ngoại trừ chứng khoán Anh). Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 0,29%, trong khi chỉ số DAX tăng 0,41% và chỉ số CAC 40 tăng 0,94%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, do ảnh hưởng từ sự sụt giảm trên phố Wall trong phiên thứ Năm và chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Janet Yellen, chứng khoán Nhật Bản đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tuần trong phiên cuối tuần qua. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại tăng điểm trong phiên cuối tuần, nhưng mức tăng nhẹ do nhà đầu tư cũng đang chờ đợi bài phát biểu của bà Yellen.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 195,24 điểm (-1,18%), xuống 16.360,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,59 điểm (+0,41%), lên 22.909,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 2,15 điểm (+0,07%), lên 3.070,48 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục giảm 1,12% sau khi 2,21% trong tuần trước đó, chỉ số Hang Seng quay đầu giảm 0,12% và chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều giảm 1,23% sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Tương tự phố Wall, giá vàng cũng có phiên giao dịch đầy biến động cuối tuần qua, nhất là trong phiên giao dịch Mỹ do sự úp mở về khả năng tăng lãi suất của người đứng đầu Fed. Đang lình xình trong suốt phiên Á - Âu, giá vàng bất ngờ tăng vọt khi bà Yellen không chắc chắn về thời gian tăng lãi suất, nhưng cũng nhanh chóng trở lại điểm xuất phát khi khảo sát về tỷ lệ tăng lãi suất lớn dần.

Kết thúc phiên 26/8, giá vàng giao ngay giảm 1,1 USD (-0,08%), xuống 1.320,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.324,0 USD/ounce.

Sau tuần tăng nhẹ trước đó, giá vàng đã điều chỉnh khá mạnh tuần qua, trong đó giá vàng giao ngay giảm 1,54%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,62%.

Với diễn biến trong 3 tuần qua và khả năng về việc Fed tăng lãi suất, cả giới phân tích và nhà đầu tư cá nhân đều có cái nhìn thận trọng về giá vàng tuần này. Số chuyên gia trả lời thăm dò tuần này cũng giảm hơn nhiều so với các tuần trước (chỉ có 13 chuyên gia trả lời so với mức 19 của nhiều tuần trước).

Trong 13 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 6 người, tương đương 46%, cao hơn so với mức 32% của tuần trước đó dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần mới, trong khi có 5 người, chiếm 39% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới và 2 người, chiếm 15% dự báo giá kim loại quý sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong số 1.060 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 606 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn so với mức 66% của tuần trước, trong khi có 296 người, chiếm 28% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 158 người, chiếm 15%.

Trong khi đó, dù cũng bị tác động do ảnh hưởng bài phát biểu của bà Yellen, nhưng giá dầu thô vẫn duy trì được đà tăng trong phiên cuối tuần qua nhờ nhận các thông tin hỗ trợ. Đầu tiên là số lượng giàn khoan của Mỹ sau mấy tuần tăng liên tiếp, đã chững lại trong tuần qua. Tiếp đó và cũng là thông tin quan trọng, chính là việc Yemen bắn tên lửa đạn đạo Scud vào Jizan của Ả Rập Xê út sau những đợt không kích của liên minh do Ả Rập Xê út dẫn đầu nhằm vào dinh Tổng thống Yemen và một chốt quân sự.

Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,31 USD/thùng (+0,65%), lên 47,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,50%), lên 49,92 USD/thùng.

Sau 2 tuần tăng tới hơn 15%, giá dầu thô đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua dù phục hồi tốt 2 phiên cuối tuần. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 1,81% và dầu thô Brent giảm 1,89%.

Tin bài liên quan