Phố Wall đi ngược lại diễn biến của chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall đi ngược lại diễn biến của chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, giá dầu thô và giá vàng tăng mạnh phiên cuối tuần

(ĐTCK) Ngoại trừ phố Wall do tác động của cổ phiếu Apple, còn lai chứng khoán châu Á, châu Âu, giá vàng, giá dầu đều có phiên tăng mạnh cuối tuần, trong đó giá dầu thô hồi phục tới hơn 4%, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Trong khi chứng khoán Âu, Á tăng điểm tích cực trong phiên cuối tuần, thì phố Wall lại quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng của cổ phiếu Apple và nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh có rời Liên minh châu Âu - EU) vào đầu tuần tới.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones giảm 57,94 điểm (-0,33%), xuống 17.675,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,77 điểm (-0,33%), xuống 2.071,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 44,58 điểm (-0,92%), xuống 4.800,34 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,06%, chỉ số S&P 500 giảm 1,19% và Nasdaq giảm 1,92%.

Chứng khoán châu Âu đã hồi phục tốt trong phiên cuối tuần sau cái chết của Nghị sỹ quốc hội Anh Jo Cox làm các bên hoãn các cuộc vận động cho cuộc bỏ phiếu Anh “đi” hay “ở” với EU dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới.

Ngoài ra, việc giá dầu thô hồi phục và nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại cũng giúp phần giúp chứng khoán châu Âu có được phiên tăng điểm tốt cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 70,61 điểm (+1,19%), lên 6.021,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 80,89 điểm (+0,85%), lên 9.631,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,82 điểm (+0,98%), lên 4.193,83 điểm.

Dù có 2 phiên phục hồi, nhưng với 3 phiên giảm mạnh trong tuần, chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,55%, chỉ số DAX giảm 2,07% và chỉ số CAC 40 giảm 2,62%.

Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng hồi phục tốt trong phiên cuối tuần, trong đó chứng khoán Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng khi đồng yên ổn định trở lại sau chuỗi tăng mạnh trước đó sau quyết định không giảm thêm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ diễn biến mới trong cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh.

Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 165,52 điểm (+1,07%), lên 15.599,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,85 điểm (+0,66%), lên 20.170,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 12,29 điểm (+0,43%), lên 2.885,10 điểm.

Dù hồi mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng cũng không cứu được các chỉ số chứng khoán châu Á thoát khỏi tuần giảm điểm, thậm chí là giảm mạnh. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikke 225 giảm 6,03%, chỉ số Hang Seng giảm 4,15% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,44%.

Đồng USD có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá vàng đồng bạc xanh như vàng.

Kết thúc phiên 17/6, giá vàng giao ngay tăng 20,1 USD (+1,57%), lên 1.298,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,2 USD (+0,25%), lên 1.301,6 USD/ounce.

Với những thông tin hỗ trợ, giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,95%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,98%.

Với viễn cảnh không khả quan của kinh tế toàn cầu và diễn biến hiện tại, giới phân tích và chuyên gia tiếp tục có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần tới.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 852 người tham gia, trong đó có 683 người, chiếm 80% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, trong khi chỉ có 115 người, chiếm 13% dự báo giá sẽ giảm và 54 người, chiếm 6% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 23 chuyên gia trả lời, có 15 chuyên gia, chiếm 65% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn so với mức 52% trong tuần trước. Chỉ có 4 chuyên gia, chiếm 17% dự báo giá sẽ điều chỉnh và 4 người, chiếm 17% giữ quan điểm trung lập.

Cũng như giá vàng, việc đồng USD yếu và bớt lo lắng về Brexit giúp giá dầu thô đảo chiều tăng mạnh trở lại, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,77 USD (+3,69%), lên 47,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,98 USD (+4,03%), lên 49,17 USD/thùng.

Dù khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó trong tuần, giá dầu thô đã quay đầu giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 2,22% và giá dầu thô Brent giảm 2,71%.

Tin bài liên quan