Chứng khoán, giá dầu đồng loạt giảm, giá vàng bất ngờ khởi sắc

Chứng khoán, giá dầu đồng loạt giảm, giá vàng bất ngờ khởi sắc

(ĐTCK) Nhận nhiều thông tin tiêu cực, giá dầu thô và chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, những lùm xùm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng USD giảm đã giúp giá vàng tăng vọt.

Chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Sáu tuần trước khi kết quả kinh doanh thất vọng của General Electric được công bố. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục và nhóm cổ phiếu năng lượng sụt giảm theo đà lao dốc của giá dầu thô.

Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Dow Jones giảm 31,71 điểm (-0,15%), xuống 21.580,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,91 điểm (-0,04%), xuống 2.472,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,25 điểm (-0,04%), xuống 6.387,75 điểm.

Sau 2 tuần tăng liên tiếp, phố Wall đã có sự trái chiều trong tuần qua. Trong khi Dow Jones quay đầu giảm nhẹ 0,27%, thì S&P 500 và Nasdaq vẫn duy trì đà tăng, dù biên độ không bằng một nửa so với tuần trước với S&P 500 tăng 0,54% và Nasdaq tăng 1,19%.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần qua, thậm chí mức giảm rất mạnh khi đồng euro lên mức cao nhất 2 năm, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực đồng tiền chung, cùng kết quả kinh doanh kém tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố.

Trong đó, chứng khoán Đức có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. Chứng khoán Pháp cũng giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 21/4 ngay trước khi ông Emmanuel Macron thắng cử Tổng thống Pháp.

Kết thúc phiên 21/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,96 điểm (-0,47%), xuống 7.452,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 207,19 điểm (-1,66%), xuống 12.240,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 81,56 điểm (-1,57%), xuống 5.117,66 điểm.

Cũng giống như phố Wall, chứng khoán châu Âu sau 2 tuần tăng liên tiếp đã có sự trái chiều trong tuần qua, trong đó  chỉ số FTSE 100 duy trì đà với biên độ tăng 1,01%, thì DAX quay đầu giảm mạnh 3,10% và CAC 40 cũng quay đầu giảm 2,25%.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần qua. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm do áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu sản xuất thép, cũng như đồng yên tăng. Tuy nhiên, đà giảm của Nikkei 225 được hãm lại nhờ nhóm cổ phiếu máy móc thiết bị.

Chứng khoán Hồng Kông cũng chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp tỏng phiên cuối tuần qua do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính. Dù vậy, mức giảm cũng chỉ khiêm tốn khi thị trường nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông.

Cổ phiếu Trung Quốc đại lục cũng giảm nhẹ do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ được bù đắp bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu bluechip.

Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 44,84 điểm (-0,22%), xuống 20.099,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 34,12 điểm (-0,13%), xuống 26.706,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,88 điểm (-0,21%), xuống 3.237,98 điểm.

Sau khi đồng loạt tăng điểm tuần trước, chứng khoán châu Á đã có sự trái chiều trở lại như các tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikke 225 quay đầu giảm nhẹ 0,09%, thì chỉ số Hang Seng vẫn tăng 1,20%, chỉ số Shanghai Composite cũng tiếp tục tăng 0,48%.

Trong khi đó, những lùm xùm xung quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump như thay đổi phát ngôn viên của Nhà trắng, nghị sĩ Mỹ hợp sức ngăn cản Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, hay ông Trump tố cáo báo Mỹ ngăn cản  nỗ lực diệt thủ lĩnh tối cao IS, cùng với việc đồng USD giảm mạnh đã giúp giá vàng bay cao trong phiên giao dịch cuối tuần.

Kết thúc phiên 21/7, giá vàng giao ngay tăng 10,5 USD/ounce (+0,84%), lên 1.254,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 9,5 USD/ounce (+0,76%), lên 1.255,0 USD/ounce.

Với những phiên tăng điểm ấn tượng tuần qua, dù có một vài phiên điều chỉnh, nhưng giá vàng vẫn có được tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với biên độ tăng mạnh hơn nhiều tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,12%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,24%.

Với những diễn biến hiện tại đang hỗ trợ cho giá vàng, cả giới phân tích và nhà đầu tư vẫn duy trì cái nhìn tích cực về xu hướng của giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 13 người, chiếm 72% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn con số 68% của tuần trước. 4 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 22%, cao hơn con số 16% của tuần trước và chỉ duy nhất 1 người cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 974 người tham gia, trong đó có 567 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 58%, cao hơn  so với con số 49% của tuần trước; 269 người, chiếm 28% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn con số 37% của tuần trước; 138 lượt, chiếm tỷ lệ 14% giữ quan điểm trung lập.

Trái ngược với giá vàng, giá dầu thô lại quay đầu giảm mạnh hơn 2,5% trong phiên cuối tuần qua khi một báo cáo mới công bố dự báo sản lượng khai thác của OPEC sẽ tăng lên.

Kết thúc phiên 21/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,15 USD/thùng (-2,51%), xuống 45,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,24 USD (-2,58%), xuống 48,06 USD/thùng.

Sau khi tăng mạnh tuần trước đó, phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 1,65% và giá dầu thô Brent giảm 1,74%.

Tin bài liên quan