Dù tăng nhẹ trong phiên thứ Năm, nhưng giới đầu tư phố Wall vẫn lo lắng (Ảnh minh họa: AFP)

Dù tăng nhẹ trong phiên thứ Năm, nhưng giới đầu tư phố Wall vẫn lo lắng (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, giá dầu chịu sức ép, giá vàng “bay cao”

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố yếu kém gây sức ép lên chứng khoán và giá dầu, nhưng lại là thông tin tích cực giúp giá vàng tiếp tục bay cao.

Theo dữ liệu vừa công bố, sản xuất trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ giảm trong quý IV/2015 với tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 năm, trong khi trợ cấp thất nghiệp lại tăng mạnh hơn dự kiến, đơn đặt hàng mới cho nhà máy cũng giảm trong tháng 12/2015 với mức mạnh nhất 1 năm.

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 1/2016 sẽ được công bố vào cuối tuần với mức dự báo tạo thêm 190.000 việc làm.

Dù dữ liệu kinh tế yếu kém, nhưng phố Wall vẫn có phiên tăng điểm tiếp theo. Các phiên tăng điểm này, theo các nhà phân tích, là đợt phục hồi kỹ thuật từ các phiên quá bán trước đó.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 79,92 điểm (+0,49%), lên 16.416,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,92 điểm (+0,15%), lên 1.915,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,32 điểm (+0,12%), lên 4.509,56 điểm.

Dữ liệu kinh tế vừa công bố của Mỹ tiếp tục kém khả quan cũng ảnh hưởng tới nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bấp bênh trong năm vừa qua và như hiện nay, thì kinh tế Mỹ đang đóng vai trò đầu tàu để nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp vực dậy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế vừa công bố trong 2 ngày qua cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu chậm lại và nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Do đó, nhà đầu tư chứng khoán có lý do để lo lắng.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 61,62 điểm (+1,06%), lên 5.898,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 41,46 điểm (-0,44%), xuống 9.393,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,57 điểm (+0,04%), lên 4.328,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm do tâm lý bi quan của thị trường, trong khi các tập đoàn lớn như Panasonic, Hitachi cắt giảm dự báo lợi nhuận.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông hồi phục tốt trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô phục hồi trong phiên trước đó. Chứng khoán Trung Quốc cũng phục hồi tốt trở lại trong phiên giáp Tết Nguyên đán.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 146,26 điểm (-0,85%), xuống 17.044,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 191,5 điểm (+1,01%), lên 19.183,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 41,78 điểm (+1,53%), lên 2.781,02 điểm.

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ được công bố là thông tin tiêu cực cho thị trường chứng khoán, nhưng lại là thông tin tích cực đối với giá vàng. Dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ khiến đồng USD suy yếu và hỗ trợ cho giá vàng tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, vượt qua mốc 1.155 USD/ounce.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay tăng 13 USD (+1,14%), lên 1.155,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 16,3 USD (+1,43%), lên 1.157,6 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại sau khi tăng hơn 7% trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD/thùng (-1,77%), xuống 31,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-1,68%), xuống 34,46 USD/thùng.

Tin bài liên quan