Giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán duy trì sắc xanh, vàng và dầu thô lao dốc

(ĐTCK) Đà tăng ngoài yếu tố cơ bản của giá dầu khiến giới đầu tư lo ngại bán ra, trong khi dữ liệu kinh tế tích cực khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng mờ nhạt, đẩy giá kim loại quý này giảm mạnh. Giá vàng SJC trong nước mở cửa sáng nay cũng giảm mạnh 240.000 - 260.000 đồng/lượng.

Thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách tiền tề và mở rộng gói kích thích kinh tế cuối tuần trước tiếp tục tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu tuần này. Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall không thể duy trì khi giá dầu thô giảm mạnh trở lại và tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư này. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang chờ đợi dữ liệu kinh tế để chắc chắn về khả năng này, mà không dám đánh cược.

Dữ liệu kinh tế sắp công bố là doanh số bán lẻ của Mỹ.

Với tâm lý đó, phố Wall đã không thể có phiên tăng mạnh thứ 2 tiếp theo, mà chỉ lình xình và đóng cửa gần như không đổi trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Dow Jones tăng 15,82 điểm (+0,09%), lên 17.229,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,55 điểm (-0,13%), xuống 2.019,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,81 điểm (+0,04%), lên 4.750,28 điểm.

Trong khi đó, sắc xanh vẫn được duy trì đồng đều trên thị trường chứng khoán châu Âu nhờ sự hỗ trợ từ quyết định của ECB cuối tuần trước và cổ phiếu nguyên vật liệu khi giá đồng vẫn ổn định ở mức cao gần 4 tháng sau khi dữ liệu kinh tế Trung Quốc vừa được công bố xoa dịu bớt lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Thông tin kinh tế tích cực của khu vực đồng euro cũng hỗ trợ cho đà tăng của chứng khoán. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 1 của eurozone tăng 2,1%         theo năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng tốt nhất trong 6 năm.

Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do chịu tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu quay đầu.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,78 điểm (+0,57%), lên 6.174,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 159,13 điểm (+1,62%), lên 9.990,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,80 điểm (+0,31%), lên 4.506,59 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, quyết định của ECB cuối tuần trước đã tạo động lực tâm lý giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất 1 tuần trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng tăng mạnh trong phiên đầu tuần khi nhận được sự hỗ trợ từ chứng khoán Trung Quốc, cùng với thông tin tích cực từ châu Âu.

Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 294,88 điểm (+1,74%), lên 17.233,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 235,74 điểm (+1,17%), lên 20.435,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 49,19 điểm (+1,75%), lên 2.859,5 điểm.  

Sau khi lên mức cao nhất 13 tháng phiên thứ Năm tuần trước, giá vàng bị chốt lời trong phiên cuối tuần và đầu tuần này. Các thông tin kinh tế vừa công bố khá tích cực và chứng khoán duy trì đà tăng khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng mờ nhạt, đẩy giá vàng giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 14/3, giá vàng giao ngay giảm 15,1 USD (-1,21%), xuống 1.235,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 6 USD (-0,48%), xuống 1.245,1 USD/ounce.

Đà sụt giảm của giá vàng thế giới đã kéo giá vàng SJC trong nước mở đầu ngày sáng nay (15/3) lao dốc theo.  Cụ thể, giá vàng SJC mở cửa hôm nay giảm ngay 260.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 240.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chiều qua, xuống 33,42 - 33,72 triệu đồng/lượng.

Giá dầu thô đã bị bán mạnh trong phiên đầu tuần mới và giảm hơn 3% khi giới đầu tư cho rằng, đà tăng 6 tuần liên tiếp khiến giá dầu đã vượt ra ngoài nguyên tắc cơ bản khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ liên tục lập kỷ lục mới, trong khi lượng sản xuất của Iran cũng gia tăng từng ngày.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho biết, kho dự trữ dầu thô của toàn nước Mỹ tuần trước dự báo tăng thêm 3,3 triệu thùng, lên mức kỷ lục mới. Còn theo dữ liệu vừa công bố, kho dự trữ dầu thô tại Oklahoma tăng gần 850.000 thùng, lên 69,6 triệu thùng trong tuần tính đến 14/3.

Trong khi đó, OPEC cho biết, nhu cầu dầu đối với các thành viên của mình bao gồm cả Ả Rập Xê út và Iran ít hơn mức dự báo đưa ra hồi đầu năm 2016 do bị cạnh tranh của các đối thủ ngoài OPEC. Nguồn cung của OPEC có thể sẽ vượt nhu cầu khoảng 760.000 thùng/ngày so với mức dự báo đưa ra trước đó là 720.000 thùng/ngày.

Một thông tin khác, Nga cho biết, cuộc họp với OPEC về việc đóng băng sản lượng sẽ được tổ chức tại Doha vào tháng tới. Nga cho biết, Iran sẽ ủng hộ kế hoạch này, trong khi Tehran khẳng định, muốn tăng gấp đôi lượng xuất khẩu, lên 4 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,32 USD (-3,55%), xuống 37,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,82 USD (-2,18%), xuống 39,53 USD/thùng.

Tin bài liên quan