Chứng khoán duy trì sắc xanh trong ngày có nhiều sự kiện chính trị quan trọng

Chứng khoán duy trì sắc xanh trong ngày có nhiều sự kiện chính trị quan trọng

(ĐTCK) Phố Wall đảo chiều tăng trở lại, trong khi giá vàng tiếp tục giảm sâu trong phiên thứ Năm trong phiên có nhiều sự kiện chính trị quan trọng diễn ra, như phiên điều trần của cựu Giám đốc FBI, tổng tuyển cử tại Anh.

Mọi sự chú ý trên thị trường Mỹ phiên thứ Năm dồn vào cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey trước Thượng viện Mỹ được truyền hình trực tiếp. Tại cuộc điều trần này, ông Comey cho biết, ông ghi chép nội dung cuộc họp với Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2 do lo ngại ông Trump có thể nói dối về cuộc gặp.

Khi được hỏi liệu "có nghi vấn nào về việc Nga muốn can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ hay không", Comey nói "không nghi ngờ gì nữa". Nhưng ông từ chối bình luận liệu ông có tin Tổng thống Trump đã thông đồng với Nga hay không. Ông cho rằng không nên trả lời câu hỏi đó ở một cuộc họp mở như buổi điều trần này.

Cựu giám đốc FBI cho biết Tổng thống Trump đã có yêu cầu "rất đáng ngại", đó là cơ quan này ngừng cuộc điều tra về liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và chính phủ Nga. "Tôi không nghĩ mình có quyền bình luận rằng cuộc gặp với Tổng thống Trump là nỗ lực ngăn cản của ông ấy. Tôi coi đó là điều rất đáng lo ngại", ông Comey phát biểu.

Chứng khoán Mỹ quay đầu sau phiên điều trần của ông Comey, nhưng cả 3 chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngành thép. Trong đó, Nasdaq tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục mới nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu Nvidia và Yahoo.

Dù có ít nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng những lời ông Comey trả lời trước Thượng viện Mỹ không có nhiều điểm mới có thể tác động tiêu cực tới chương trình nghị sự và các kế hoạch chính sách sắp tới của Tổng thống Trump như giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm bớt quy định của ngành ngân hàng.

Do đó, trong phiên thứ Năm, đồng loạt nhóm cổ phiếu ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng đều tăng mạnh. Trong đó, riêng cổ phiếu thép còn được hỗ trợ bởi thông tin Bộ Thương mại Mỹ sẽ tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất và tiêu dùng trong nước. Chỉ số ngành thép tăng 4,1%, lên mức cao nhất từ ngày 20/4.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 8,84 điểm (+0,04%), lên 21.182,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65 điểm (+0,03%), lên 2.433,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 24,38 điểm (+0,39%), lên 6.321,76 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cuộc thăm do trong ngày tổng tiểu cử của Anh cho thấy, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Theresa May giành được 314 ghế trong cuộc hội, không đủ quá bán.

Điều này gây lên những lo ngại về sự bất ổn chính trị tại vương quốc Anh và cản trở các cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Những lo ngại này khiến chứng khoán Anh tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Tư.

Chứng khoán Pháp cũng để mất điểm đáng tiếc trong những phút cuối phiên. Trong khi đó, chứng khoán Đức đảo chiều hồi phục khá tốt trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,64 điểm (-0,38%), xuống 7.449,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,09 điểm (+0,32%), lên 12.713,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 1,29 điểm (-0,02%), xuống 5.264,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng so với đồng USD và lo ngại về các sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra tại Mỹ và châu Âu, chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm điểm sau phiên tăng nhẹ trước đó.

Trong khi đó, nhờ dữ liệu thương mại khả quan, cùng với dự trữ ngoại hối tăng trong tháng 5, lên mức cao nhất 7 tháng, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Năm, kéo chứng khoán Hồng Kông tăng theo, lên trở lại mức cao nhất 23 tháng.

Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 75,36 điểm (-0,38%), xuống 19.909,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 88,90 điểm (+0,34%), lên 26.063,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,01 điểm (+0,32%), lên 3.150,33 điểm.

Giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Năm. Sau nỗ lực tăng trở lại trong phiên châu Á, giá vàng đã nhanh chóng đi xuống vào cuối phiên châu Á và giảm dần đều trong phiên châu Âu.

Bước vào phiên Mỹ, áp lực bán xuất hiện mạnh khiến giá kim loại này lao dốc lùi về sát mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, sau đó giá vàng đã bật trở lại sau lời phát biểu và trả lời của cựu Giám đốc FBI tại Thượng viên Mỹ.

Lời phát biểu của ông Comey đã được công bố hôm thứ Tư và những gì ông trả lời trước Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm không nghiêm trọng lắm với Tổng thống Trump, nhưng cũng không tốt chút nào với ông Trump. Đây chính là lý do giá vàng bật trở lại, hãm bớt đà giảm vào cuối phiên.

Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay giảm 9,2 USD (-0,72%), xuống 1.277,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 13,7 USD/ounce (-1,06%), xuống 1.279,5 USD/ounce.

Sau phiên lao dốc mạnh hôm thứ Tư do do dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước, giá dầu thô đã nỗ lực phục hồi trở lại trong phiên châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, vào phiên Mỹ, giá loại nhiên liệu này đã quay đầu giảm trở lại khi nỗi lo dư cung vẫn còn hiện hữu. Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Vùng vịnh dường như không mấy ảnh hưởng tới giá dầu, bởi Qatar là nước sản xuất dầu thô nhỏ.

Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,08 USD/thùng (-0,18%), xuống 45,64 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,2 USD (-0,42%), xuống 47,87 USD/thùng. 

Tin bài liên quan