Chứng khoán duy trì đà tăng, nhưng đối mặt với tuần không yên ả

Chứng khoán duy trì đà tăng, nhưng đối mặt với tuần không yên ả

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần do khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 thấp lại. Tuy nhiên, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triêu Tiên cuối tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu được dự đoán sẽ đối mặt với 1 tuần không yên ả.

Theo báo cáo vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước, số lao động tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8 là 156.000 việc làm, thấp hơn con số dự đoán 180.000 việc làm của giới phân tích. Số lượng việc làm tạo thêm trong tháng 6 và tháng 7 cũng được điều chỉnh so với con số đã công bố trước đó.

Số liệu này, cùng với lạm phát tăng thấp được công bố trước đó khiến khả năng Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay ngày càng thấp. Khả năng này hiện chỉ còn 39%.

Một số liệu kinh tế khác cũng được công bố ngày cuối tuần với chi phí xây dựng bất ngờ giảm trong tháng 7, xuống mức thấp nhất 9 tháng, trong khi chỉ số ISM (Viện Quản lý nguồn cung Mỹ) trong hoạt động nhà máy tháng 8 tăng lên mức 58,8, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.

Những số liệu vừa công bố đã hỗ trợ giúp phố Wall có phiên tăng điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 và là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số Dow Jones tăng 39,46 điểm (+0,18%), lên 21.987,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,90 điểm (+0,20%), lên 2.476,55 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,67 điểm (+0,10%), lên 6.435,33 điểm.

Dù có những lo ngại về căng thẳng địa chính trị, nhưng với dữ liệu kinh tế tích cực, phố Wall có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tăng 0,80%, chỉ số S&P 500 tăng 1,37% và chỉ số Nasdaq tăng 2,71%.

Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong phiên cuối tuần trước nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và truyền thông. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Anh bị hãm lại do ảnh hưởng từ sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu dược phẩm Indivior.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm tăng 7,88 điểm (+0,11%), lên 7.438,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 86,80 điểm (+0,72%), lên 12.142,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 37,67 điểm (+0,74%), lên 5.123,26 điểm.

Chứng khoán châu Âu trong tuần qua tiếp tục có sự trái chiều. Trong khi chỉ số FTSE 100 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,5% và chỉ số CAC 40 hồi phục 0,37%, thì chỉ số DAX lại đảo chiều giảm nhẹ 0,21% sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc phố Wall duy trì đà tăng giúp chứng khoán Nhật Bản cũng nối tiếp đà tăng trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại điều chỉnh nhẹ.

Kết thúc phiên 1/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,23 điểm (+0,23%), lên 19.691,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,14 điểm (-0,06%), xuống 27.953,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,49 điểm (+0,19%), lên 3.367,30 điểm.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản, nhưng với sự tăng điểm tích cực của phố Wall, chứng khoán Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp của mình trong tuần qua khi tăng 1,23%. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng của chỉ số Hang Seng là 0,38%, còn chỉ số Shanghai Composite tăng 1,07%.

Dù vậy, với vụ thử hạ nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cuối tuần qua với cường độ mạnh gấp 5-6 lần so với lần thử thứ 5, nhiều khả năng chứng khoán châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ có 1 tuần không yên ả.

Trong phiên cuối tuần qua, giá vàng tăng giá, lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái sau khi dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ vừa công bố thấp hơn dự kiến. Với dữ liệu mới công bố này, cùng với việc lạm phát tăng thấp, càng làm cho kỳ vọng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12 thấp đi. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng càng khiến cho giá vàng được hỗ trợ mạnh.

Kết thúc phiên 1/9, giá vàng giao ngay tăng 3,6 USD/ounce (+0,27%), lên 1.324,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7,7 USD/ounce (+0,58%), lên 1.329,9 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp và cũng là tuần tăng thứ 7 trong 8 tuần gần nhất. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,60%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,58%.

Với kỳ vọng về khả năng Fed tăng lãi suất thấp đi, cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng, giới phân tích và nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn rất tích cực về xu hướng của giá vàng trong tuần này, dù mức kỳ vọng thấp hơn so với tuần trước.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 16 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 9 người, chiếm 56% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 73% của tuần trước. Có 3 người dự báo giảm, chiếm 19%, nhỉnh hơn con số 13% của tuần trước và 4 người dự báo đi ngang, chiếm 24%.

Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 1.196 người tham gia, trong đó có 694 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 58%, cao hơn con số 48% của tuần trước; 368 người, chiếm 31% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều so với con số 43% của tuần trước; 134 lượt, chiếm tỷ lệ 11% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô lại lình xình và đóng cửa ít thay đổi trong phiên cuối tuần, nhưng không tránh khỏi tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 1/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,06 USD/thùng (+0,13%), lên 47,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,11%), xuống 52,32 USD/thùng.

Ảnh hưởng từ cơn bão Harvey khiến giá dầu thô Mỹ có tuần giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 1,21% và  giá dầu thô Brent cũng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,17%.

Tin bài liên quan