Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán duy trì đà tăng, dầu thô đạt kỷ lục 3 tháng

(ĐTCK) Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố đã tiếp thêm sự tự tin cho giới đầu tư, giúp chứng khoán tiếp tục tăng điểm, trong khi dầu thô bật mạnh trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó, lên mức cao nhất 3 tháng khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, nhất là dự đoán giá dầu thô có thể lên tới 70 USD/thùng vào cuối năm 2016.

Giới đầu tư trên phố Wall giao dịch cầm chừng trong phiên thứ Năm để chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed được công bố. Chính sự thận trọng này đã khiến 3 chỉ số chính chủ yếu dao động dưới tham chiếu trong suốt phiên sáng và những phút đầu phiên chiều trước khi bật mạnh trở lại khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố, cởi bỏ tâm lý cho nhà đầu tư.

Biên bản cuộc họp hôm 16 và 17/9 của Fed được công bố cho thấy sự thận trọng sâu sắc của Fed về nền kinh tế Mỹ ngay cả trước khi các dữ liệu thất vọng về việc làm và cán cân thương mại được công bố. Ngoài ra, các quan chức của Fed cũng có cuộc tranh luận căng thẳng về khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế Mỹ.

Kết thúc phiên 8/10, chỉ số Dow Jones tăng 138,46 điểm (+0,82%), lên 17.050,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,6 điểm (+0,88%), lên 2.013,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,64 điểm (+0,41%), lên 4.810,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giao dịch đầy biến động và cũng giống như trước, các chỉ số chính của khu vực tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh.  Dù vậy, đà tăng không lớn do giới đầu tư thận trọng để chờ đợi kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sẽ lần lượt được công bố kể từ tuần này.

Kết thúc phiên 8/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 38,47 điểm (+0,61%), lên 6.374,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,67 điểm (+0,23%), lên 9.993,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,57 điểm (+0,18%), lên 4.675,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật  Bản và Hồng Kông đảo chiều trở lại sau những phiên tăng mạnh trước đó khi giới đầu tư chốt lời để chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed sẽ được công bố sau đó ít giờ, thì chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh ngay sau khi trở lại sau 1 tuần nghỉ lễ Quốc khánh. Do nghỉ lễ kéo dài, nên chứng khoán Trung Quốc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để bứt phá với chứng khoán thế giới. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản chấp dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp còn do báo cáo mới nhất cho thấy, đơn đặt hàng máy móc của nước này kém tích cực trong tháng.

Kết thúc phiên 8/10, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 181,81 điểm (-0,88%), xuống 18.141,17  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 160,85 điểm (-0,71%), xuống 22.354,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 90,58 điểm (+2,97%), lên 3.143,36 điểm.

Áp lực chốt lời ngắn hạn đã kéo giá vàng tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, một số nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed cũng khiến giao dịch trên thị trường khá trầm lắng trong gần như suốt phiên thứ Năm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, thời gian gần đây, đã có nhiều phát biểu của các quan chức Fed liên quan tới chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, nên biên bản cuộc họp được công bố cũng sẽ không mấy tác động tới giá vàng. Và quả thật như vậy, sau khi biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố, không có phản ứng tích cực nào trên thị trường vàng, dù giới đầu tư chứng khoán hứng khởi.

Kết thúc phiên 8/10, giá vàng giao ngay giảm 6,8 USD (-0,59%), xuống 1.139,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,4 USD (-0,37%), xuống 1.144,3 USD/ounce.

Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Tư, giá dầu đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Năm, lên mứ cao nhất 3 tháng sau khi Tập đoàn năng lượng Pira dự báo giá dầu sẽ tăng lên mức 70 USD/thùng vào cuối năm 2016.

Ngoài ra, việc Nga tăng cường hoạt động quận sự tại Syria để chống lại IS khi sử dụng cả lực lượng hải quân cũng khiến mối lo về nguồn cung giảm gia tăng, hỗ trợ tích cực cho giá dầu thô thế giới.

Kết thúc phiên 8/10, giá dầu thô Mỹ tăng 1,62 USD/thùng (+3,28%), lên 49,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,72 USD (+3,24%), lên 53,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan