Chứng khoán đồng loạt tăng, dầu thỗ tiếp tục giảm

Chứng khoán đồng loạt tăng, dầu thỗ tiếp tục giảm

(ĐTCK) Nỗi lo về căng thẳng địa chính trị dịu bớt, trong khi dữ liệu kinh tế tích cực giúp chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Tư, trong khi giá dầu thô tiếp tục giảm do ảnh hưởng củ cơn bão Harvey.

Sau khi đảo chiều tăng điểm thành công trong phiên thứ Ba khi nỗi lo về căng thẳng địa chính trị không quá đáng lo ngại như dự báo, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư nhờ dữ liệu kinh tế tích cực được công bố.

Theo dữ liệu vừa công bố, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý II cao hơn con số công bố ban đầu, trong khi báo cáo việc làm khu vực tư nhân cho thấy, khu vực này có thêm 237.000 việc làm được tạo ra trong tháng 8, mức tăng lớn nhất kể từ đầu năm 2017.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Dow Jones tăng 27,06 điểm (+0,12%), lên 21.892,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,29 điểm (+0,46%), lên 2.457,59 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 66,42 điểm (+1,05%), lên 6.368,31 điểm.

Tương tự, ngay sau khi lo lắng về căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên lắng dịu, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu lại nhanh tay mua vào cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp các chỉ số đồng loạt tăng trở lại trong phiên thứ Tư. Ngoài ra, việc đồng euro giảm mạnh 0,73% so với đồng USD, mức giảm mạnh nhất trong 4 tuần cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,83 điểm (+0,38%), lên 7.365,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 56,59 điểm (+0,47%), lên 12.002,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 24,42 điểm (+0,49%), lên 5.056,34 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư nhờ phiên tăng điểm trước đó của phố Wall và đồng yên giảm trở lại. Ngoài ra, lo lắng trước đó sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản cũng giảm bớt khi các bên không phản ứng quá căng thẳng.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu giảm nhẹ khi giới đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh của những ngân hàng lớn.

Kết thúc phiên 30/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 143,99 điểm (+0,74%), lên 19.506,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 329,6 điểm (+1,19%), lên 28.094,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,6 điểm (-0,05%), xuống 3.363,63 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục giằng co và dao động lình xình trong phiên thứ Tư do chịu các tác động trái ngược nhau. Việc đồng USD tăng mạnh trở lại gây áp lực lên giá vàng, trong khi căng thẳng địa chính trị giúp giá vàng vẫn giữ được nhiệt. Do đó, giá kim loại quý này đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 30/8, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD/ounce (-0,04%), xuống 1.308,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,8 USD/ounce (-0,36%), xuống 1.314,1 USD/ounce.

Trong khi đó, cơn bão Harvey đang gây lũ lụt lịch sử tại Texas khiến nhiều nhà máy lọc dầu miền Tây của Mỹ đóng cửa, trong đó có nhà máy lọc dầu lớn nhất nước tại thành phố Port Arthur, bang Texas. Việc các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động khiến cho nhu cầu dầu thô sụt giảm, đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư, với biên độ giảm mạnh hơn phiên trước đó.

Kết thúc phiên 30/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,48 USD/thùng (-1,04%), xuống 45,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,14 USD (-2,24%), xuống 50,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan