Phố Wall có phiên khởi sắc hôm thứ Tư (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên khởi sắc hôm thứ Tư (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán đồng loạt khởi sắc, dầu thô tiếp tục giảm mạnh

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt khởi sắc trong phiên giao dịch thứ Tư, trong đó Dow Jones và S&P 500 tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Đà tăng của phố Wall tiếp tục được duy trì trong phiên thứ Tư, thậm chí mức tăng mạnh hơn nhiều so với phiên trước đó nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu vận tải khi chỉ số Dow Jones giao thông vận tải tăng 2,5%, vượt qua mức đỉnh cũ xác lập năm 2014.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu viễn thông và bất động sản với việc trả cổ tức cao. Cùng với đó, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường cũng giúp các chỉ số chính của phố Wall thăng hoa trong phiên thứ Tư.

Tuy nhiên, đà tăng có thể sẽ còn mạnh hơn nhiều nếu không có sự cản đường của nhóm cổ phiếu dược khi nhóm cổ phiếu này giảm giá sau phát biểu của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump trên Time rằng “tôi sẽ giảm giá thuốc”.

Những phát biểu, hay Tweet của ông Trump có tác động rất lớn tới các cổ phiếu đơn lẻ nói riêng và cả ngành nói chung trong thời gian qua, như nhóm ngân hàng, cổ phiếu Boeing và mới nhất là cổ phiếu dược.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Dow tăng 297,84 điểm (+1,55%), lên 19.549,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,12 điểm (+1,32%), lên 2.241,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 60,76 điểm (+1,14%), lên 5.393,76 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên khởi sắc hôm thứ Tư. Nhóm cổ phiếu hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên này là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi Credit Suisse công bố sẽ cắt giảm chi phí hơn nữa, cùng với đó là các cổ phiếu Italia tiếp tục khởi sắc. Chỉ số cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán châu Âu lên mức đỉnh 11 tháng trong phiên thứ Tư.

Ngoài ra, kỳ vọng về việc ECB sẽ tung chương trình mua trái phiếu mới cũng giúp chứng khoán khu vực khởi sắc.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 122,39 điểm (+1,81%), lên 6.902,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 211,37 điểm (+1,96%), lên 10.986,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 62,78 điểm (+1,36%), lên 4.694,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sắc xanh cũng bao phủ các thị trường trong khu vực. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng tốt nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu SoftBank (tăng 6,2%) sau khi công bố kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD vào Mỹ. Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên liệu, nhưng đà tăng bị hãm bớt khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của ECB. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã chấm dứt chuỗi giảm điểm liên tiếp của mình bằng phiên phục hồi tốt.

Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 136,15 điểm (+0,74%), lên 18.496,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 125,77 điểm (+0,55%), lên 22.800,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,59 điểm (+0,71%), lên 3.222,24 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng đi ngang trong phiên châu Á, nhưng sau đó tăng lên trong phiên châu Âu và Mỹ nhờ lực cầu bắt đáy khi giá vàng xuống mức thấp nhất 10 tháng. Ngoài ra, giới đầu tư cũng mua để đón đầu cơ hội về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ quyết định tung thêm chương trình mua trái phiếu trong cuộc họp diễn ra vào hôm nay. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng đã hạ nhiệt bớt khi có những dự đoán không chắc chắn về khả năng có thêm gói kích thích mới của ECB. Do đó, nhà đầu tư thận trọng trở lại để chờ đợi cuộc họp, nhất là thông tin từ cuộc họp báo sau cuộc họp này.

Kết thúc phiên 7/12, giá vàng giao ngay tăng 4 USD (+0,34%), lên 1.173,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 7,4 USD (+0,63%), lên 1.177,5 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp nhận được thông tin tốt về hàng tồn kho giảm của Mỹ, nhưng thông tin này dường như đã được phản ánh trong phiên thứ Ba, trong khi mối hoài nghi về mức cắt giảm sản lượng nhỏ của OPEC và các nước lớn khác ngoài khối này không đủ để bù đắp được nỗi lo dư cung, khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh.

Theo thông tin mới công bố của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 2,4 triệu thùng, nhiều hơn so với con số giảm 1 triệu thùng của giới phân tích. Ngoài ra, tổng kho tại Cushing, Oklahoma cũng giảm 3,8 triệu thùng, mức giảm cao nhất kể từ năm 2009.

Kết thúc phiên 7/12, giá dầu thô Mỹ giảm 1,16 USD/thùng (-2,28%), xuống 49,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD (-1,72%), xuống 53,00 USD/thùng.

Tin bài liên quan