Sau khi có sự trái chiều phiên thứ Tư, phố Wall đã đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Năm nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhất là cổ phiếu Facebook tăng 2,31%, cổ phiếu Alphabet tăng 1,23%.
Ngoài ra, thị trường còn phản ứng tích cực trước thông tin kế hoạch cải cách thuế lớn nhất 35 năm của Mỹ sắp chính thức được được thực hiện. Theo đó, hôm thứ Tư, các thành viên của đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã đồng ý thảo luận với Hạ viện về dự luật cắt giảm thuế mà 2 bên còn có những khác biệt khi thông qua trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà lập pháp có thể thông qua dự luật cuối cùng trước ngày 22/12.
Phiên hồi phục này cũng cho thấy, nhà đầu tư không quá lo lắng trước viễn cảnh chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi Quốc hội chưa thông qua chi tiêu ngân sách mới.
Một thông tin tích cực nữa cho thị trường là số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động rất tích cực.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi thông tin quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu này để có nhận định chính xác nhất về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng này.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Dow Jones tăng 70,57 điểm (+0,29%), lên 24.211,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,71 điểm (+0,29%), lên 2.636,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 36,47 điểm (+0,54%), lên 6.812,84 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục diễn ra sự trái chiều, nhưng vị thế đã thay đổi. Trong khi chứng khoán Anh quay đầu giảm điểm sau phiên tăng hôm trước khi đồng bảng Anh giảm so với USD, thì chứng khoán Đức và Pháp hồi phục trở lại nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,28 điểm (-0,37%), xuống 7.320,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 36,03 điểm (+0,28%), lên 13.034,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 9,52 điểm (+0,18%), lên 5.383,86 điểm.
Tương tự, sau phiên lao dốc mạnh hôm thứ Tư, chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên hồi mạnh 1,45% nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bán lẻ, dược phẩm, năng lượng. Tương tự, đà hồi phục của cổ phiếu Tencent cũng giúp chứng khoán Hồng Kông hồi phục theo, nhưng mức tăng nhẹ hơn nhiều do ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu của Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục có phiên giảm điểm với biên độ giảm thậm chí còn mạnh hơn phiên trước đó khi nhóm cổ phiếu bluechip bị bán mạnh sau chuỗi tăng từ đầu năm.
Kết thúc phiên 7/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 320,99 điểm (+1,45%), lên 22.498,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,39 điểm (+0,28%), lên 29.303,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,91 điểm (-0,67%), xuống 3.272,05 điểm.
Trong khi chứng khoán và dầu thô hồi phục, thì giá vàng tiếp tục có phiên giảm, thậm chí mức giảm còn mạnh hơn nhiều so với các phiên trước đó, xuống mức thấp nhất 4 tháng. Giá vàng lao dốc khi đồng USD tiếp tục leo thang sau dữ liệu thị trường lao động khả quan của Mỹ được công bố, làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng này.
Kết thúc phiên 7/12, giá vàng giao ngay giảm 16 USD/ounce (-1,27%), xuống 1.246,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 13 USD/ounce (-1,03%), xuống 1.249,8 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm sau phiên lao dốc hôm thứ Tư. Giá dầu thô hồi phục trở lại sau thông tin một trong hai công đoàn dầu mỏ của Nigeria đe dọa đình công toàn quốc kể từ ngày 18/12, làm tăng mối lo về gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 7/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,73 USD (+1,3%), lên 56,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,98 USD (+1,6%), lên 62,20 USD/thùng.