Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố kém khả quan, cùng với sự lúng túng trước những thông tin kinh tế trái chiều về tình hình Hy Lạp khiến chứng khoán Âu, Mỹ giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần. Trong khi đó, giá vàng và dầu thô đã hồi phục trở lại, đặc biệt là dầu thô có phiên tăng tới hơn 4%.

Theo dữ liệu mới nhất vừa công bố, GDP của Mỹ trong quý I giảm 0,7%, so với con số tăng 0,2% như công bố ban đầu. Các tín hiệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ 2011.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Đại học Chicago cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng này, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012. Trong khi hoạt động sản xuất Chicago cũng tiêu cực khi diện ký hợp đồng trong tháng này xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2, dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ thiếu sức sống.

Với các dữ liệu kinh tế kém khả quan như trên, phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm và có tuần giảm đầu tiên và duy nhất trong tháng 5 (riêng Dow Jones giảm tuần thứ 2 liên tiếp). Dù vậy, với những tuần tăng điểm mạnh trước đó, phố Wall vẫn có táng tăng điểm tốt.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones giảm 115,44 điểm (-0,64%), xuống 18.010,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,40 điểm (-0,63%), xuống 2.107,39 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 27,95 điểm (-0,55%), xuống 5.070,03 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,21%, chỉ số S&P 500 giảm 0,88%, chỉ số Nasdaq giảm 0,38%. Trong tháng 5, chỉ số Dow Jones tăng 0,95%, chỉ số S&P 500 tăng 1,05%, chỉ số Nasdaq tăng 2,60%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài việc lúng túng trong những thông tin trái chiều về tình hình Hy Lạp, giới đầu tư cũng đón nhận thông tin không mấy tích cực khi tăng trưởng tín dụng tư nhân trong khu vực đồng euro bị đình trệ trong tháng 4. Những thông tin này cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên cuối tuần, thậm chí là giảm khá mạnh. Với 2 phiên giảm cuối tuần, các chỉ số đã lấy đi hết những gì đã có được trong tuần.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 56,49 điểm (-0,80%), xuống 6.984,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 263,75 điểm (-2,26%), xuống 11.413,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 129,94 điểm (-2,53%), xuống 5.007,89 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,67%, chỉ số DAX giảm 3,4%, chỉ số CAC 40 giảm 2,62%. Trong tháng 5, chỉ số FTSE 100 tăng 0,34%, chỉ số DAX giảm 0,35%, chỉ số CAC 40 giảm 0,76%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc vẫn còn chịu dư âm từ phiên bán tháo hôm thứ Năm, thì chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 11 liên tiếp, nhưng cũng giống các phiên trước, mức tăng rất khiêm tốn. Do đó, tăng điểm trọn cả tuần này, nhưng mức tăng trong tuần của chỉ số Nikkei 225 không cao. Trong khi

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 11,69 điểm (+0,06%), lên 20.563,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 30,12 điểm (-0,11%), xuống 27.424,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,52 điểm (-0,18%), xuống 4.611,74 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,47%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,03% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,98%. Trong tháng 5, chỉ số Nikkei 225 tăng 5,34%, chỉ số Hang Seng giảm 2,52%, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,83%.

Mọi con mắt của nhà đầu tư vàng đổ dồn về Mỹ khi các dữ liệu quan trọng sẽ được công bố trong phiên cuối tuần. Và với những thông tin không mấy khả quan được công bố đã giúp vai trò trú ẩn của vàng tăng lên, cùng với việc đồng USD hạ nhiệt nhẹ trở lại, qua đó giúp giá vàng hồi trở lại trong phiên cuối tuần.

Tuy nhiên, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến mức tăng của giá vàng không đang kể, không thể cứu giá vàng thoát khỏi tuần giảm thứ 2 liên tiếp và còn xa nữa mới chinh phục lại ngưỡng 1.200 USD/ounce đã để mất trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 29/5, giá vàng giao ngay tăng 2,2 USD (+0,19%), lên 1.190,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,2 USD/ounce (+0,19%), lên 1.190,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,32%, khiêm tốn hơn chút ít, giá vàng giao tháng 6 giảm 1,25%. Trong tháng 5, giá vàng giao ngay tăng 0,51%, giá vàng giao tháng 6 tăng 0,67%.

Dù có tuần giảm thứ 2 liên tiếp và để mất ngưỡng 1.200 USD/ounce, nhưng giới đầu tư vẫn có cái nhìn khá tích cực về giá vàng khi vẫn ở ngưỡng kháng cự, tạo xu thế tích cực trong ngắn hạn.

Trong cuộc thăm dò tuần này của Kitco, trong số 33 chuyên gia được hỏi, có 20 người trả lời. Trong đó, có 13 người, tương đương 65% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chỉ có 3 người, chiếm 15% dự đoán vàng sẽ tiếp tục giảm và 4 người, tương đương 20% giữ quan điểm trung lập về giá vàng.

Còn theo cuộc khảo sát trực tuyến, trong số 515 người tham gia, có 230 người, tương đương 45% chờ đợi vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần tới, trong khi có 186 người, tương đương 37% dự đoán vàng sẽ vẫn giảm giá và 96 người, chiếm 19% có quan điểm trung tính.

Trên thị trường dầu thô, đúng như dự báo, kho dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tuần trước và thông tin này đã hỗ trợ cho giá dầu thô rất nhiều. Trong phiên cuối tuần, giá dầu thô tăng vọt hơn 4% để đào ngược tình thế trong tuần này.

Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô Mỹ tăng 2,62 USD/thùng (+4,34%), lên 60,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,98USD (+4,55%), lên 65,56 USD/thùng.

Nhờ phiên tăng mạnh cuối tuần, giá dầu thô đã đảo ngược tình thế khi chốt tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,97% so với cuối tuần trước, còn giá dầu thô Brent tăng 0,29%. Trong tháng 5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,12%, nhưng giá dầu thô Brent lại giảm 1,83%.

Tin bài liên quan