Chứng khoán điều chỉnh, giá vàng tiếp tục giảm sâu

Chứng khoán điều chỉnh, giá vàng tiếp tục giảm sâu

(ĐTCK) Sau chuỗi tăng điểm và thiết lập đỉnh cao lịch sử liên tiếp, phố Wall đã đồng loạt điều chỉnh trong phiên thứ Năm do một số rủi ro xuất hiện. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro này, giá vàng vẫn có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp, mất mốc 1.300 USD/ounce.

Trong phiên thứ Năm, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm điểm do giới đầu tư phản ứng với khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay vào tháng 12 cắt giảm lượng trái phiếu, chứng khoán nắm giữ từ tháng 10 này với liều lượng 10 tỷ USD/tháng sau đó có thể tăng thêm.

Phát biểu sau cuộc họp chính sách chiều thứ Tư (20/9 - theo giờ Mỹ), bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, lạm phát năm nay vẫn khó lường và Ngân hàng Trung ương sẵn sàng tăng lãi suất nếu cần.

Sau phát biều này, theo công cụ khảo sát, khả năng Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay đã tăng lên mức 70% so với mức 51% ngay sau thời điểm Fed ra thông báo.

Ngoài ra, phố Wall giảm điểm còn vì giới đầu tư lo lắng trước phát biểu mạnh mẽ của ông Trump về vấn đề Triều Tiên và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Triều Tiên.

Mặt khác, sau chuỗi tăng điểm và thiết lập kỷ lục liên tiếp, định giá của S&P 500 cũng đã ở mức cao với mức P/E hiện đang là 17,6 lần, cao hơn mức trung bình 10 năm 14,3 lần.

Một nhân tố nữa khiến phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Năm là sự sụt giảm tiếp tục của cổ phiếu Apple (mất 1,7%) khi báo cáo doanh số bán điện thoại mới Iphone 8 chậm hơn so với các phiên bản trước, trong khi đồng hồ thông minh smarwatch mới ra mắt lại gặp vấn đề về kết nối.

Tuy nhiên, dù phố Wall giảm điểm, nhưng chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall lại giảm, xuống mức 9,67 mức thấp nhất gần 2 tháng. Như vậy, việc giảm điểm của phố Wall không phản ánh những rủi ro, mà chủ yếu là do định giá cao.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones giảm 53,36 điểm (-0,24%), xuống 22.359,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,64 điểm (-0,30%), xuống 2.500,60 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 33,35 điểm (-0,52%), xuống 6.422,69 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh điều chỉnh trở lại sau 2 phiên hồi phục, chứng khoán Đức và Pháp vẫn duy trì được đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu tài chính. Với việc Fed có khả năng tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng sẽ được hưởng lợi, giúp nhóm cổ phiếu này tiếp tục tăng giá.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 8,05 điểm (-0,11%), xuống 7.263,9 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 30,86 điểm (+0,25%), lên 12.600,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 25,63 điểm (+0,49%), lên 5.267,29 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm nhờ phản ứng tích cực với phiên tăng điểm của phố Wall trước đó, cũng như đồng yên giảm so với đồng USD.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đảo chiều giảm điểm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi một số thành phố lớn của Trung Quốc tăng lãi suất thế chấp, nhằm siết chặt hoạt động cho vay với bất động sản.

Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 37,02 điểm (+0,18%), lên 20.347,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,47 điểm (-0,06%), xuống 28.110,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,18 điểm (-0,24%), xuống 3.357,81 điểm.

Bất chấp chứng khoán điều chỉnh giảm trở lại, cũng như đồng USD giảm và căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, nhưng giá vàng tiếp tục có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp và đánh mất mốc 1.300 USD/ounce.

Giới đầu tư trên thị trường vàng bán mạnh ra để đề phòng về khả năng Fed tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay và cắt giảm lượng tài sản nắm giữ từ tháng 10 với liều lượng 10 tỷ USD/tháng.

Kết thúc phiên 21/9, giá vàng giao ngay giảm 9,9 USD/ounce (-0,76%), xuống 1.290,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 21,6 USD/ounce (-1,64%), xuống 1.294,8 USD/ounce.

Giá dầu thô gần như không thay đổi trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) để thảo luận về việc liệu họ có mở rộng cắt giảm sản lượng hay không.

Trước đó, hôm thứ Tư, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết, OPEC và các đối tác sẽ thỏa thuận cắt giảm hơn nữa nguồn cung để hỗ trợ cho giá dầu.

Kết thúc phiên 21/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,14 USD (-0,28%), xuống 50,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,25%), lên 56,43 USD/thùng.

Tin bài liên quan