Chứng khoán, dầu thô lên đỉnh, giá vàng quay đầu giảm

Chứng khoán, dầu thô lên đỉnh, giá vàng quay đầu giảm

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước, chứng khoán và dầu thô đồng loạt tăng, lên các ngưỡng cao mới, trong khi giá vàng quay đầu điều chỉnh do giới đầu thư tỏ ra thận trọng khi thị trường Mỹ chỉ giao dịch nửa ngày.

Nhờ doanh thu kỷ lục trong ngày Black Friday, giúp cổ phiếu của các nhà bán lẻ, trong đó đặc biệt là Amazon tăng mạnh, cùng với nhóm cổ phiếu công nghệ kéo phố Wall đảo chiều tăng điểm trong phiên cuối tuần.

Đặc biệt, đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ đã giúp S&P 500 và Nasdaq lập mức điểm kỷ lục mới, trong đó S&P 500 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2.600 điểm.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Dow Jones tăng 31,81 điểm (+0,14%), lên 23.557,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,34 điểm (+0,21%), lên 2.602,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 21,80 điểm (+0,32%), lên 6.889,16 điểm.

Sau 2 tuần giảm nhẹ liên tiếp, Dow Jones và S&P 500 đã hồi phục trở lại trong tuần vừa qua với mức tăng lần lượt là 0,86% và 0,91%, trong khi Nasdaq có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng nới rộng hơn rất nhiều so với tuần trước lên tới 1,57% (tuần trước đó chỉ số này tăng 0,47%).

Chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên thứ Sáu nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính và triển vọng bế tắc chính trị tại Đức sẽ được giải quyết. Một điểm tích cực nữa với chứng khoán châu Âu là niềm tin kinh doanh của Đức bất ngờ tăng trong tháng 11 với mức cao kỷ lục.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,60 điểm (-0,10%), xuống 7.409,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,29 điểm (+0,39%), lên 13.059,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 10,92 điểm (+0,20%), lên 5.390,46 điểm.

Cũng giống như phố Wall, sau 2 tuần giảm liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt hồi phục trở lại trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,39%, chỉ số DAX tăng 0,51% và chỉ số CAC 40 tăng 1,34%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thêm một vụ scandal nữa về giả mạo sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản và lần này là Mitsubishi Materials. Sau khi hãng này công bố công ty con của mình đã giả mạo dữ liệu của một số sản phẩm bao gồm các miếng đệm cao su thường được sử dụng để ngăn ngừa rò rỉ chất lỏng hoặc khí gas từ các đường ống dùng trong nhiều ngành công nghiệp như công nghiệp vũ trụ và ôtô…, giá cổ phiếu của hãng này giảm tới 8,1%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán chung của Nhật Bản đã thoát qua vụ scandal mới này khi có được mức tăng nhẹ cuối tuần.

Trong khi đó, sau phiên lao dốc hôm thứ Năm, chứng khoán Hồng Kông đã hồi phục tốt trở lại trong phiên cuối tuần nhờ sự bình ổn của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sau phiên bán tháo trước đó.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 27,70 điểm (+0,12%), lên 22.550,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 158,38 điểm (+0,53%), lên 29.866,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,90 điểm (+0,06%), lên 3.353,82 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng đà tăng liên tiếp của chứng khoán Nhật Bản đã bị chặn lại trong tuần qua với chỉ số Nikkei 225 giảm tới 3,62%. Chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,84%. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng mạnh hơn rất nhiều tuần trước khi chỉ số

Hang Seng tăng 2,29%  (tuần trước tăng 0,27%).

Do ngày cuối tuần, thị trường Mỹ chỉ giao dịch buổi sáng, nên thị trường vàng cũng diễn ra rất ảm đạm và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 24/11, giá vàng giao ngay giảm 2,7 USD/ounce (-0,21%), xuống 1.287,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,2 USD/ounce (-0,33%), xuống 1.288,0 USD/ounce.

Sau 2 tuần tăng liên tiếp, giá vàng đã quay đầu điều chỉnh nhẹ tuần qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 0,43% và giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng giảm 0,49%.

Dù giá vàng điều chỉnh trở lại, nhưng cả giới phân tích và nhà đầu tư đều vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng vào xu hướng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 13 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 68%, cao hơn nhiều con số 56% so với tuần trước; 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 11% (tuần trước là 6%); 4 người còn lại, chiếm 21% giữ quan điểm trung lập.

Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 744 lượt người tham gia, trong đó có 421 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, chiếm 57%, nhỉnh hơn con số 56% của tuần trước; 229 lượt dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 31%, cao hơn con số 26% của tuần trước và 94 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 13%.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần trước, lên mức cao nhất 2 năm khi đường ống dẫn dầu lớn nhất từ Canada sang Mỹ bị đóng cửa kể từ ngày 16/11 sau  khi một vụ tràn dầu xảy ra tại Nam Dakota.

Kết thúc phiên 24/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,93 USD (+1,58%), lên 58,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+0,85%), lên 63,86 USD/thùng.

Sau khi điều chỉnh trong tuần trước đó, cắt đứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, giá dầu thô đã trở lại đà tăng mạnh trong tuần vừa qua. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 4,24% và giá dầu thô Brent tăng 1,82%.

Tin bài liên quan