Sự trở lại của nhóm tài chính, ngân hàng và năng lượng đem lại niềm vui cho phố Wall trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Sự trở lại của nhóm tài chính, ngân hàng và năng lượng đem lại niềm vui cho phố Wall trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, dầu thô khởi sắc trở lại, giá vàng tạm thời hạ nhiệt

(ĐTCK) Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp, giá dầu thô và chứng khoán Âu, Mỹ đã tăng vọt trở lại trong phiên cuối tuần, trong khi giá vàng tạm thời hạ nhiệt sau khi lên mức cao nhất 1 năm.

Sau chuỗi ngày giảm giá liên tục, giá dầu thô bất ngờ hồi phục hơn 10% trong phiên cuối tuần, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng và hàng hóa khác tăng mạnh, giúp phố Wall hồi phục từ mức thấp nhất 2 năm.

Ngoài nhóm cổ phiếu năng lượng và hàng hóa được hưởng lợi từ giá dầu thô hồi phục mạnh, thì nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng sau những phiên bị bán tháo liên tục cũng đã hồi phục tốt trong phiên cuối tuần, góp phần giúp phố Wall có phiên cuối tuần đầy hứng khởi.

Thị trường chứng khoán châu Âu hồi phục, đặc biệt là sức khỏe của các ngân hàng của khu vực này vẫn khá mạnh chứ không như lo ngại trước đó của giới đầu tư đã giúp lan tỏa sự hứng khởi tới chứng khoán Mỹ và nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng của phố Wall trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 313,66 điểm (+2,0%), lên 15.973,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,7 điểm (+1,95%), lên 1.864,78 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 70,68 điểm (+1,66%), lên 4.337,51 điểm.

Dù hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần, nhưng cũng không đủ giúp phố Wall tránh khỏi tuần giảm điểm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,43%, chỉ số S&P 500 giảm 0,81% và chỉ số Nasdaq giảm 0,59%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau khi bị bán tháo mạnh, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng với sự dẫn dắt của Deutsche Bank đã tăng vọt trở lại trong phiên cuối tuần. Trong phiên này, cổ phiếu Deutsche Bank tăng tới 11,8% sau khi ngân hàng này cho biết sẽ mua lại hơn 5 tỷ USD trong tổng nợ dài hạn, giúp làm giảm bớt lo ngại về trái phiếu của mình. Trong khi đó, cổ phiếu của Commerzbank thậm chí còn tăng tới 18% trong phiên cuối tuần.

Bên cạnh đó, sự trở lại của giá dầu thô cũng góp phần giúp chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch đầy hứng khởi cuối tuần và qua giảm bớt sự mất mát trong tuần.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 170,63 điểm (+3,08%), lên 5.707,6 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 214,64 điểm (+2,45%), lên 8.967,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 98,35 điểm (+2,52%), lên 3.995,06 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,4%, chỉ số DAX giảm 3,43% và chỉ số CAC 40 giảm tới 4,89%.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng tiêu cực từ phiên lao dốc trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ, cũng như giá dầu liên tục giảm và đồng yên tăng mạnh, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần và lần đầu tiên kể từ 10/2014, chỉ số Nikkei 225 đánh mất mốc 15.000 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tiếp tục có phiên giảm điểm và xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi do những lo ngại từ nền kinh tế Trung Quốc đại lục và ảnh hưởng của thị trường tài chính toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 760,78 điểm (-4,84%), xuống 14.952,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 226,22 điểm (-1,22%), xuống 18.319,58 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ Tết Nguyên đán.  

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 11,83%, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ 10/2008, trong khi chỉ số Hang Seng cũng giảm 3,99%.

Sự hứng khởi trên thị trường chứng khoán đã làm cho vàng bớt đi sự hấp dẫn như các phiên trước đó. Ngoài ra, việc tăng lên mức cao nhất 1 năm cũng khiến áp lực chốt lời gia tăng, đẩy giá vàng đảo chiều nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần.

Phiên đảo chiều cuối tuần không làm cho ảnh hưởng nhiều đến đà tăng giá của vàng trong tuần này và giá kim loại quý này có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/2, giá vàng giao ngay giảm 8,5 USD (-0,68%), xuống 1.237,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 9,3 USD (-0,74%), xuống 1.238,5 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 5,49%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 4 cũng tăng tới 6,98%.

Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco có tới 1.953 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có tới 1.678 lượt người, chiếm 86% lạc quan về giá vàng trong tuần tới. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan về giá vàng trên 80%. Trong khi đó, chỉ có 177 người, chiếm 9% dự đoán giá vàng sẽ giảm trở lại và 98 người, tương đương 5% giữ quan điểm trung tính.

Còn trong cuộc khảo sát 34 chuyên gia, có 17 người trả lời. Trong đó, có 9 người, tương đương 53% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới, 7 người, chiếm 41% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm trở lại và 1 nhà phân tích giữ quan điểm trung lập.

Trên thị trường năng lượng, sau chuỗi ngày giảm giá liên tiếp, giá dầu thô đã tăng vọt trở lại trong phiên cuối tuần khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng hợp tác để cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 12/2, giá dầu thô Mỹ tăng 3,23 USD/thùng (+10,97%), lên 29,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,3 USD (+9,89%), lên 33,36 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 5,09%, trong khi giá dầu thô Brent giảm khiêm tốn hơn khi mất 2,14%.

Tin bài liên quan