Chứng khoán, dầu thô khởi sắc, giá vàng lao dốc mạnh

Chứng khoán, dầu thô khởi sắc, giá vàng lao dốc mạnh

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của quý III, trong khi chứng khoán khởi sắc trở lại và dầu thô có chuỗi tăng tốt nhất trong 5 năm, thì giá vàng lại đồng loạt lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất 7 tuần.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là phiên đầu tiên của tháng 7 và quý III, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng giá tốt trước những kỳ vọng về tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương, cũng như lợi tức trái phiếu Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn 8 năm.

Cùng với đó, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng theo đà tăng của giá dầu thô cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường trong phiên đầu tuần mới.

Tuy nhiên, sự yếu kém của nhóm cổ phiếu công nghệ phần nào ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường, thậm chí Nasdaq vẫn chìm trong sắc đỏ.

Ngày thứ Ba, thị trường sẽ nghỉ lễ độc lập của Mỹ.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Dow Jones tăng 129,64 điểm (+0,61%), lên 21.479,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,60 điểm (+0,23%), lên 2.429,01 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 30,36 điểm (-0,49%), xuống 6.110,06 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, năng lượng đã giúp chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm, thậm chí mức tăng mạnh hơn nhiều so với chứng khoán bên kia bờ Đại Tây Dương.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 64,37 điểm (+0,88%), lên 7.377,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 150,19 điểm (+1,22%), lên 12.475,31 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 75,04 điểm (+1,47%), lên 5.195,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính của khu vực đồng loạt tăng trở lại trong phiên đầu tuần mới, nhưng mức tăng rất khiêm tốn.

Trong đó, niềm tin của các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong hơn 3 năm và dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tăng lên theo công bố khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong ngày đầu tuần mới là động lực giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại. Tuy nhiên, đà tăng không đáng kể do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi kết quả bầu cử tại Tokyo hôm Chủ nhật khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thất bại.

Trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, nhóm cổ phiếu tài chính tăng điểm tốt sau khi kết nối giao dịch trái phiếu giữa Trung Quốc và Hồng Kông chính thức được triển khai.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và hàng hóa cũng tăng điểm tốt do các loại hàng hóa này tăng khi đồng USD giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng chỉ may mắn mới có được sắc xanh nhạt khi các nhóm cổ phiếu bluechip đồng loạt giảm.

Điều tương tự cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, khiến chỉ số Shanghai Composite cũng chỉ có được mức tăng khiêm tốn.

Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 22,37 điểm (+0,11%), lên 20.055,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 19,59 điểm (+0,08%), lên 25.784,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,48 điểm (+0,11), lên 3.195,91 điểm.

Sự khởi sắc của chứng khoán, sự ổn định về địa chính trị và đồng USD hồi phục mạnh trở lại từ mức thấp nhất hơn 9 tháng đã khiến giá vàng bị bán tháo trong phiên đầu tuần mới. Giá kim loại quý này giảm dần đều ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới và lao dốc mạnh khi bước vào phiên Mỹ, đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.

Kết thúc phiên 3/7, giá vàng giao ngay giảm 21,5 USD (-1,73%), xuống 1.219,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 23,1 USD/ounce (-1,86%), xuống 1.219,2 USD/ounce.

Trong khi giá vàng lao dốc, thì giá dầu thô lại tiếp tục tăng mạnh 2% trong phiên thứ Hai khi thông tin mới nhất cho thấy, sản lượng sản xuất của Mỹ tuần trước giảm 100.000 thùng/ngày do báo nhiệt đới và bảo dưỡng, cũng như số lượng giàn khoan lần đầu tiên giảm kể từ tháng Giêng.

Những thông tin trên đã giúp giá dầu thô có phiên tăng thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng giá tốt nhất kể từ tháng 2/2012.

Kết thúc phiên 3/7, giá dầu thô Mỹ tăng 1,03 USD/thùng (+2,24%), lên 47,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,90%), lên 49,68 USD/thùng. 

Tin bài liên quan