Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán đảo chiều, giá vàng tăng vọt

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế vừa công bố không mấy tích cực khiến phố Wall bị rung lắc trong phiên thứ Năm, nhưng giống phiên trước, các chỉ số đã đảo chiều thành công vào cuối phiên. Trong khi đó, việc đồng USD bị bán tháo đã giúp giá vàng tăng vọt, lên mức cao nhất gần 13 tháng.

Phiên thứ 2 liên tiếp, phố Wall lại đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính.

Trước đó, theo dữ liệu công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, nhưng xu hướng chung vẫn cho thấy sự tích cực của thị trường lao động.

Nhà đầu tư đang hướng tới báo cáo việc làm vào thứ Sáu với dự đoán sẽ có thêm 190.000 việc làm trong tháng 2, tăng so với con số 151.000 việc làm của tháng 1.

Giá dầu thô Bent tăng 35% kể từ lúc hồi phục vào tháng trước, giúp giảm bớt lo ngại về các khoản nợ của các công ty năng lượng với ngân hàng. Qua đó, giúp nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng tăng mạnh 13% trong 14 phiên vừa qua, hỗ trợ cho phố Wall.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones tăng 44,58 điểm (+0,26%), lên 16.943,9 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,95 điểm (+0,35%), lên 1.993,40 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4 điểm (+0,09%), lên 4.707,42 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu hóa chất và y tế.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,6 điểm (-0,27%), xuống 6.130,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,7 điểm (-0,25%), xuống  9.751,92 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,81 điểm (-0,20%), xuống 4.416,08 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu tích cực của kinh tế Mỹ trong phiên trước đó giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tuần rưỡi. Trong khi đó, sau khi lên mức cao nhất 7 tuần, chứng khoán Hồng Kông bị chốt lời nên giảm nhẹ trong phiên thứ Năm, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục  duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 213,61 điểm (+1,28%), lên 16.960,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 61,73 điểm (-0,31%), xuống 19.941,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 10,08 điểm (+0,35%), lên 2.859,76 điểm.  

Trên thị trường vàng, việc chứng khoán rung lắc và đà bán tháo đồng USD giúp giá vàng tăng mạnh gần 2% trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất gần 13 tháng.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay tăng 24,4 USD (+1,97%), lên 1.263,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 16,4 USD (+1,32%), lên 1.258,2 USD/ounce.

Thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ liên tiếp xác lập mức kỷ lục đã ít nhiều ảnh hưởng tới giá dầu thô. Tuy nhiên, khác với trước đây, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường năng lượng khá tốt, nên giá dầu thô cũng không giảm mạnh mà chỉ duy trì sự ổn định.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,09 USD (-0,26%), xuống 34,57 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,38%), lên 37,07 USD/thùng.

Trong phiên sáng nay (4/3) trên thị trường châu Á, giá dầu thô đã hồi phục tốt sau thông tin sản lượng dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ 11/2014.

Tin bài liên quan