Việc các thị trường châu Á vẫn giữ được dòng tiền ở lại ngay cả khi Fed tăng lãi suất là một tín hiệu rất tích cực

Việc các thị trường châu Á vẫn giữ được dòng tiền ở lại ngay cả khi Fed tăng lãi suất là một tín hiệu rất tích cực

Chứng khoán châu Á đã vượt qua “nỗi sợ” từ Mỹ và Trung Quốc

(ĐTCK) Châu Á, khu vực thường tỏ ra nhạy cảm nhất trước những biến động của kinh tế Trung Quốc và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hóa ra lại ghi nhận sự ổn định đáng kinh ngạc trong thời gian qua.

Trong vòng 3 tháng qua, các nhà phân tích rủi ro đã cảnh báo về nguy cơ suy giảm nhanh các điều kiện thị trường tại nhiều nền kinh tế đang nổi châu Á.

Nguyên nhân là bởi việc Trung Quốc nỗ lực kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm tại nước này góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và kéo giá hàng hóa sụt giảm khá mạnh.

Trong khi đó, Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với quyết định tăng lãi suất cơ bản, bất chấp mục tiêu lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, 2 yếu tố tưởng chừng đáng lo ngại trên lại không thể làm lung lay niềm tin của giới đầu tư đặt vào các thị trường đang phát triển tại châu Á.

Trên thực tế, quyết định kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm có quy mô 9.400 tỷ USD của Trung Quốc đã tạo ra sức ép không nhỏ với thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Đại lục, khiến chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm gần 4% kể từ ngày 11/4, song những sức ép trên thị trường Trung Quốc không lan tỏa ra phần còn lại của châu Á.

Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia đều tăng tương ứng 9,5%, 4,8% và 1,8%, chủ yếu nhờ mức tăng mạnh từ dòng tiền đổ vào của khối ngoại.

Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ của Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan mà khối ngoại đang nắm giữ đã chạm ngưỡng 280 tỷ USD, tăng so với mức 240 tỷ USD thời điểm cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư trở nên tự tin hơn nhờ các nền tảng kinh tế cơ bản trên khắp châu Á đã được cải thiện trong thời gian qua.

Theo đó, thâm hụt tài khoản vãng lai tại Ấn Độ và Indonesia - 2 “điểm nóng” từng khiến thị trường rất lo ngại hồi năm 2013 trước nguy cơ khối ngoại rút vốn - đã giảm đáng kể.

Ngành chế tạo của khu vực cũng ghi nhận mức tăng sản lượng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2012, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ với mức tăng đáng kể tại Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Đáng chú ý, cổ phiếu của các công ty công nghệ trở thành nhóm có mức tăng trưởng tốt nhất trong chỉ số chứng khoán các thị trường đang nổi (MSCI Emerging Markets Index).

Không thể phủ nhận mức tăng 19% của chỉ số này kể từ đầu năm đến nay có sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu công nghệ, giúp thúc đẩy hơn nữa lòng tin của giới đầu tư hướng tới khu vực châu Á.

Chưa kể, các thị trường trái phiếu châu Á nhận được sự hỗ trợ về vốn rất quan trọng từ các quỹ lương hưu, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư có tổ chức, cung cấp nguồn tài chính ổn định và đáng tin cậy cho các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á.

Có một điểm mà JPMorgan lưu ý là dòng vốn chảy vào các thị trường đang nổi hiện nay đã tiệm cận quy mô tương tự những gì từng xảy ra trước sự kiện được gọi là giai đoạn “taper tantrum”.

Theo đó, năm 2013, nhà đầu tư quốc tế đã ồ ạt rút vốn khỏi thị trường châu Á do kỳ vọng vào việc Mỹ tăng lãi suất, kéo theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán châu Á tại thời điểm này và làm giảm giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.

Việc Fed tăng lãi suất trên lý thuyết sẽ giúp đồng USD mạnh lên và làm tăng giá tài sản định giá bằng USD. Như vậy, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro tài chính phát sinh khi các nguồn tiền nước ngoài đột ngột chảy ra khỏi thị trường.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, việc các thị trường châu Á vẫn giữ được dòng tiền ở lại khu vực ngay cả khi Fed tăng lãi suất là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy các nền kinh tế đang nổi châu Á đã vượt qua nỗi lo ngại từ các động thái của Mỹ và Trung Quốc.

Tin bài liên quan