Chứng khoán chao đảo

Chứng khoán chao đảo

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần trước đã rúng động trước nhiều thông tin, từ cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên, đến khả năng tăng lãi suất của Fed.

Sau khi an tâm với việc Fed sẽ không tăng lãi suất sớm, giới đầu tư đã giật mình bán tháo sau khi Eric Rosengren, một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người vốn được thuộc phái bồ câu nói rằng, có những rủi ro liên quan nếu không tăng lãi suất.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng cho rằng, cuộc thử hạt nhân thứ 5 và cũng là lớn nhất của Triều Tiên cũng ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư, thúc đẩy việc bán tháo trên thị trường.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Dow Jones giảm 394,46 điểm (-2,13%), xuống 18.085,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 53,49 điểm (-2,45%), xuống 2.127,81 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 133,57 điểm (-2,54%), xuống 5.125,91 điểm.

Phiên lao dốc cuối tuần đã chính thức kéo phố Wall giảm điểm trong tuần qua sau khi phục hồi nhẹ tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 2,2%, chỉ số S&P 500 giảm 2,39%, chỉ số Nasdaq giảm 0,65%.

Ảnh hưởng từ đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ và những thông tin về khả năng Fed tăng lãi suất, cũng như cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh cuối phiên. Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đưa ra thảo luận gói kích thích kinh tế trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm cũng khiến giới đầu tư thất vọng.

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 81,75 điểm (-1,19%), xuống 6.776,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 101,85 điểm (-0,95%), xuống 10.573,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 50,80 điểm (-1,12%), xuống 4.491,40 điểm.

Tương tự phố Wall, phiên giảm mạnh cuối tuần cũng chính thức kéo chứng khoán châu Âu có tuần giảm sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,71%, chỉ số DAX giảm 1,03% và chỉ số CAC 40 giảm 1,12%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì sự lình xình khi giới đầu tư chờ đợi động thái chính thức từ Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi cả 2 cơ quan này sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng vào tuấn tới. Tuy nhiên, căng thẳng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến giới đầu tư lo lắng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh với kỳ vọng dòng vốn lớn từ Trung Quốc đại lục, giúp chỉ số Hang Seng có tuần tăng tốt nhất 2 tháng.  

Kết thúc phiên 9/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 6,99 điểm (+0,04%), lên 16.965,76  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 180,36 điểm (+0,75%), lên 24.099,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 17,10 điểm (-0,55%), xuống 3.078,85 điểm.

Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại duy trì đà tăng trong tuần qua với chỉ số Nikkei 225 tăng 0,24%, chỉ số Hang Seng tăng tới 3,58% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,37%.

Dù có thông tin hỗ trợ từ cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên, kích hoạt lệnh bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhưng giá vàng không thể bứt phá. Thông thường, những thông tin như trên, đặc biệt là khi nhà đầu tư bán tháo trên thị trường chứng khoán, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào vàng để tìm kiếm kênh phòng ngừa rủi ro, giúp giá kim loại quý này tăng vọt. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần trước, giá vàng tiếp tục điều chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp sau khi lên mức cao nhất 3 tuần do ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng vọt sau phát biểu của quan chức Fed.

Kết thúc phiên 9/9, giá vàng giao ngay giảm 10,4 USD (-0,78%), xuống 1.327,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,1 USD (-0,53%), xuống 1.334,5 USD/ounce.

Dù giảm liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần, nhưng với sự bứt phát 2 phiên trước đó, giá vàng cũng có tuần phục hồi nhẹ thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,23% và giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,43%.

Các nhà phân tích cho rằng, giá vàng sẽ lình xình theo hướng giảm dần cho đến khi cuộc họp của Fed. Sau thông tin chính thức của cuộc họp này, giá vàng sẽ xác định hướng đi chính thức của mình.

Trong cuộc thăm dò của Kitco tuần qua, trong 15 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 46% cho rằng giá vàng sẽ giảm trong tuần này, cao hơn nhiều con số 15% tuần trước, trong khi số người dự báo tăng và đi ngang đều là 27%.

Trong khi đó, trong số 664 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 438 người, chiếm 66% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, tương đương với tuần trước, trong khi có 136 người, chiếm 20% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 87 người, chiếm 13%.

Giá dầu thô cũng trả lại hết những gì đã có trong phiên thứ Năm. Trong phiên thứ Năm (8/9), giá dầu thô tăng hơn 4% khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, giới đầu tư sau đó đã xem xét kỹ hơn và cho rằng, sự suy giảm này chủ yếu do cơn bão làm trì hoãn việc nhập khẩu dầu, chứ không phải do nhu cầu tăng. Ngoài ra, việc đồng USD tăng mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu thô trong phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 9/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,74 USD/thùng (-3,79%), xuống 45,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,98 USD (-4,12%), xuống 48,01 USD/thùng.

Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô cũng đã có tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,24%, giá dầu thô Brent tăng 2,52%.    

Tin bài liên quan