Do ảnh hưởng của Brexit, phố Wall có 2 phiên giảm tệ nhất kể từ tháng 8/2015 (Ảnh minh họa: AFP)

Do ảnh hưởng của Brexit, phố Wall có 2 phiên giảm tệ nhất kể từ tháng 8/2015 (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán Âu, Mỹ và giá dầu thô tiếp tục lao dốc

(ĐTCK) Việc người dân Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), hay được gọi là Brexit cuối tuần qua tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới giới đầu tư trong phiên thứ Hai.

Bước vào phiên thứ Hai, làn sóng bán tháo do lo sợ Brexit tiếp tục duy trì trên phố Wall, khiến các chỉ số chính tiếp tục có phiên giảm mạnh và đánh dấu 2 phiên giảm liên tiếp tồi tệ nhất trong 10 tháng. Trong đó, chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất khi giới đầu tư lo ngại Brexit sẽ ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên tới các hãng công nghệ.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones giảm 260,51 điểm (-1,50%), xuống 17.140,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,87 điểm (-1,81%), xuống 2.000,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 113,54 điểm (-2,41%), xuống 4.594,44 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên lao dốc đầu tuần, đánh dầu phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng của Brexit. Trong phiên thứ Hai, nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là nhóm kéo các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu giảm mạnh. Theo các nhà phân tích, việc Anh rời EU sẽ gây áp lực về lợi nhuận đối với các ngân hàng, vốn đã không mấy khả quan do lãi suất thấp kéo dài, tăng trưởng thấp và nợ xấu cao.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 156,49 điểm (-2,55%), xuống 5.982,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 288,50 điểm (-3,02%), xuống 9.268,66 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 122,01 điểm (-2,97%), xuống 3.984,72 điểm.

Trong khi đó, các chỉ chính trên thị trường chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần sau khi lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần, trong đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hồi phục tới gần 2,4% khi các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, sẽ có các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định đồng yên sau khi Anh bỏ phiếu rời EU.

Chứng khoán Hồng Kông dù không thể có sắc xanh, nhưng sự hoảng loạn như phiên thứ Sáu đã không còn xảy ra, chỉ số Hang Seng chỉ giảm nhẹ khi đóng cửa phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 357,19 điểm (+2,39%), lên 15.309,21  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,83 điểm (-0,16%), xuống 20.227,3 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 42,07 điểm (+1,47%), lên 2.895,7 điểm.

Dù nỗi sợ về Brexit vần còn là lực đỡ cho giá vàng, nhưng do đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất hơn 3 tháng và áp lực chốt lời ngắn hạn đã cản bước tiến của giá vàng trong phiên thứ Hai.

Kết thúc phiên 27/6, giá vàng giao ngay tăng 8,5 USD (+0,65%), lên 1.324,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 5,6 USD (+0,43%), lên 1.324,7 USD/ounce.

Việc đồng USD tăng vọt và lo ngại Brexit sẽ gây ra khủng hoảng, làm giảm nhu cầu dâu thô khiến giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm mạnh đầu tuần, xuống mức thấp nhất 7 tuần.

Ngoài ra, thông tin sản xuất dầu thô của Nigeria tăng lên 1,9 triệu thùng/ngày từ 1,6 triệu thùng/ngày sau khi các cơ sở sản xuất được sửa chữa xong sau cuộc tấn công của phe nổi dậy vào các đường ống dẫn dầu trước đó cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu thô.

Kết thúc phiên 27/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,31 USD (-2,83%), xuống 46,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,25 USD (-2,65%), xuống 47,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan