Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chính sách lãi suất hậu bầu cử Mỹ: Đơn giản chỉ là sự thay đổi!

(ĐTCK) Giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với cái kết đầy bất ngờ đã làm thay đổi triển vọng thị trường trái phiếu và lãi suất trong thời gian tới.

Sau chiến thắng lịch sử của ứng cử viên Donald Trump, thế giới đã chứng kiến khoảng 1.000 tỷ USD “bốc hơi” khỏi thị trường trái phiếu toàn cầu để chuyển hướng sang các tài sản an toàn khác, do lo ngại các chính sách cô lập của ông Trump tác động xấu tới trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, thực tế là các kế hoạch cắt giảm thuế và thúc đẩy chi tiêu vào đầu tư cơ sở hạ tầng được thông báo ngay sau đó lại giúp kéo lợi suất trái phiếu Mỹ tăng bất ngờ.

Kể từ cuộc bầu cử hồi tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức 1,8% lên 2,3%. Thậm chí, lợi suất trái phiều có kỳ hạn dài như 30% còn vượt ngưỡng tâm lý 3% trong phiên ngày 14/11.

“Tôi cho rằng, đã có sự thay đổi nền tảng về triển vọng trong ngắn hạn, trong bối cảnh thị trường trái phiếu có mối quan hệ chặt chẽ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tất cả những nhân tố này làm gia tăng sự lạc quan về một gói kích thích kinh tế trong thời gian tới, hoặc một số hình thức nới lỏng thị trường, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ”, Mark Cabana, người đứng đầu Bộ phận Phân tích chiến lược Bank of America Merrill Lynch nhận định.

Đối với các thể chế tài chính, lợi suất trái phiếu tăng cũng là tín hiệu tích cực, nhất là khi cổ phiếu của họ đã “thăng hoa” một cách bất ngờ sau chiến thắng của ông Trump. Chỉ số chứng khoán nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng của S&P đã tăng 2% trong phiên ngày 14/11, sau khi ghi nhận mức tăng tới 11% trong tuần trước.

Bên cạnh đó, kịch bản Fed có thể giữ lãi suất cơ bản trong một thời gian dài đang trở nên khó xảy ra hơn và các quan chức Fed sẽ phải sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, nếu triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát thay đổi. Bản thân các quan chức Fed cũng cho rằng, nền kinh tế Mỹ hiện thiếu sự hỗ trợ của chính sách tài khóa, trong khi phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Marc Chandler, Giám đốc Trung tâm Chiến lược tiền tệ tại Brown Brothers Harriman, đánh giá, các thị trường phái sinh đang bắt đầu vận động và định giá theo kịch bản Fed táo bạo hơn trong chính sách tiền tệ của mình.

Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giới đầu tư đã ghi nhận thực tế là mức lương theo giờ trung bình cho người lao động tại nước này đã tăng 2,8% so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lương nhanh nhất trong vài năm qua. Cho dù xu hướng này chưa phản ánh hết mọi diễn biến thực tế, song nó diễn ra nhất quán với khả năng lạm phát cơ bản (lạm phát lõi) đang có xu hướng tăng.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Cabana tin tưởng rằng nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 tới và dự báo sẽ tăng thêm 2 lần trong năm 2017. Theo kế hoạch, trong tuần này, Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có bài phát biểu và dự kiến sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ có hướng đến việc tăng lãi suất vào tháng tới hay không.

Một số nhà phân tích khác bày tỏ sự thận trọng hơn, khi vẫn còn đó một số nhân tố chưa rõ ràng, xung quanh những lo ngại của thị trường về kế hoạch “bảo hộ cực đoan” của Tổng thống đắc cử Donald Trump, cũng như việc liệu ông có khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay không.

Rõ ràng, nước Mỹ đang dịch chuyển từ chính quyền Barack Obama sang chính quyền Donald Trump. Chắc chắn, các ưu tiên chính sách sẽ có sự thay đổi và trọng tâm khác nhau. Nền kinh tế Mỹ, thị trường trái phiếu và lãi suất cũng sẽ có những điều chỉnh và hiệu chuẩn lại. Giới chuyên gia gọi đó là sự đứt quãng và gián đoán trong giai đoạn chuyển tiếp. Đó hoàn toàn không phải là một cuộc suy thoái, mà đơn giản chỉ là sự thay đổi và thế giới sẽ phải thích ứng với điều đó.

Tin bài liên quan