Chính phủ Trung Quốc đối diện thách thức về mức độ tín nhiệm

Chính phủ Trung Quốc đối diện thách thức về mức độ tín nhiệm

(ĐTCK) Sau cơn chấn động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 8,48% trong phiên đầu tuần, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 2/2007, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bắc Kinh, khi chính phủ nước này đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan và chịu thách thức về mức độ tín nhiệm.

Trước đó, hàng loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm can thiệp để chặn đà xuống dốc của thị trường chứng khoán đã được Trung Quốc triển khai, như cấm bán khống chứng khoán, ngừng các hoạt động niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cấm các cổ đông chủ chốt bán cổ phiếu công ty trong vòng 6 tháng.

Tuy nhiên, làn sóng bán tháo cổ phiếu đã trở lại trong ngày 28/7, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp can thiệp của Chính phủ là không bền vững. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hối thúc Trung Quốc rút lại các biện pháp hỗ trợ thị trường, khi cho rằng giá cổ phiếu nên được giao dịch thông qua các lực đẩy tự nhiên từ thị trường.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của làn sóng bán tháo mới nhất trên TTCK Trung Quốc được cho là do những số liệu kinh tế không mấy tích cực, đặc biệt là việc chỉ số giá tiêu dùng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào giá thực phẩm như thịt lợn, và nếu lạm phát tăng lên, điều này sẽ hạn chế khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy giá chứng khoán và nền kinh tế nói chung.

Theo hãng tin Bloomberg, phát ngôn viên của Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư rằng, cơ quan này sẽ tiếp tục “bình ổn” thị trường và “ngăn chặn rủi ro hệ thống”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi truyền thông đồn đoán chính phủ nước này đang rút lại các biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Zhu Ning, Phó Hiệu trưởng Học viện Tài chính Thượng Hải, cho rằng: ”Nếu Chính phủ không tiếp tục can thiệp thì những nỗ lực trước đó là hoàn toàn lãng phí, song nếu tiếp tục “cứu” TTCK thì lỗ hổng chính sách sẽ ngày càng lớn hơn”.

Một vấn đề lớn đối với Chính phủ Trung Quốc là sau khi đã “nhúng tay” sâu vào thị trường trước đó, tâm lý giới đầu tư rõ ràng sẽ hy vọng có thêm những biện pháp can thiệp mạnh hơn từ các nhà chức trách mỗi khi TTCK xuống dốc.

Về phần mình, Giám đốc điều hành ABR Investment Strategy nhận định, bất ổn có thể vẫn tiếp diễn trên TTCK Trung Quốc, song nỗ lực của chính phủ nước này sẽ giúp hạn chế những đợt bán tháo nghiêm trọng hơn. Bản thân các nhà quản lý chứng khoán Trung Quốc cũng khẳng định, Tập đoàn Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF), đơn vị nhà nước cung cấp tài chính cho giao dịch đòn bẩy và thanh khoản, vẫn chưa rút khỏi thị trường và sẽ tăng cường mua vào tại các thời điểm phù hợp. Trong tháng này, CSF đã triển khai việc mua vào chứng khoán khi các nhà đầu tư bán ra.

Tại Trung Quốc, cổ phiếu chỉ được phép giao dịch trong biên độ tăng hoặc giảm tối đa 10% trong ngày, trước khi chúng tự động bị tạm ngừng giao dịch. Riêng trong ngày 27/7, gần 1.800 loại cổ phiếu đã sụt giảm xuống ngưỡng giới hạn 10% trong ngày và đã bị ngừng giao dịch. Điều này cho thấy, sự chao đảo của TTCK Trung Quốc nói chung có thể tồi tệ hơn mức 8,5% nếu không có quy định “trần” nói trên.

Sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc cũng tạo ra sức ép lớn hơn với Chính phủ trong việc cắt giảm lãi suất hơn nữa và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng nắm giữ, đặc biệt khi các số liệu kinh tế cho thấy, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục giảm.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, chuyên gia Tom DeMark, dự báo rằng, TTCK Trung Quốc có thể còn giảm điểm trong vòng ba tuần tới, khi lặp lại mô hình chấn động chứng khoán như những gì từng xảy ra trên TTCK Mỹ năm 1929.

Tin bài liên quan