Giá dầu thô buộc chứng khoán phải đi theo (Ảnh: Internet)

Giá dầu thô buộc chứng khoán phải đi theo (Ảnh: Internet)

Chìm nổi cùng giá dầu

(ĐTCK) Trong thời gian gần đây, diễn biến của thị trường chứng khoán cùng chiều với giá dầu thô. Giá dầu thô tăng kéo chứng khoán tăng theo và ngược lại, khi giá loại nhiên liệu này lao dốc, chứng khoán cũng đổ đèo theo.

Trong phiên thứ Tư, giá dầu thô hồi phục ấn tượng sau phát biểu của Ngoại trưởng Nga ám chỉ về khả năng các nhà sản xuất lớn sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Sự phục hồi của giá dầu kéo phố Wall hồi phục trở lại, nhưng đà tăng bị hạn chế, trong đó chỉ số Nasdaq không thể lấy lại sắc xanh do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của cổ phiếu Alphabet (Google). Trong phiên thứ Tư, cổ phiếu của đại gia công nghệ này giảm mạnh 4% trước làn sóng bán tháo và khiến công ty lại lùi xuống vị trí thứ 2 về vốn hóa thị trường sau Apple. Cổ phiếu của công ty mẹ Google bị bán tháo ngoài áp lực chốt lời từ các phiên tăng mạnh trước đó sau kết quả kinh doanh, còn do các cổ phiếu công nghệ đang được định giá cao và sự ra đi của Phó chủ tịch cao cấp Amit Singhal.

Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố trái chiều. Trong khi bảng lương ADP trong lĩnh vực tư nhân tạo thêm 205.000 việc làm, nhiều hơn so với dự kiến trong tháng đầu năm, thì đà tăng trưởng của ngành dịch vụ lại chậm hơn dự kiến, đứng ở mức thấp nhất 2 năm. Điều này làm gia tăng lo ngại sự yếu kém sẽ lan sang các ngành khác. Cụ thể, theo Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số ISM trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 1/2016 giảm xuống mức 53,5, mức thấp nhất từ tháng 2/2014, từ mức 55,8 trong tháng 12/1205.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Dow Jones tăng 183,12 điểm (+1,13%), lên 16.336,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,5 điểm (+0,50%), lên 1.912,53 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,71 điểm (-0,28%), xuống 4.504,24 điểm.

Trái ngược với phố Wall, trong khi giá dầu thô tăng giúp khỏa lấp những thông tin không mấy tích cực về kinh tế, thì giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin kinh tế bên kia bờ Đại Tây Dương. Trong khi trong phiên châu Âu, giá dầu thô chỉ lình xình quanh mốc 30 USD/thùng.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 84,87 điểm (-1,43%), xuống 5.837,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 146,22 điểm (-1,53%), xuống 9.434,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 57,03 điểm (-1,33%), xuống 4.326,96 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc giá dầu thô giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần đã khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh hơn 3%, mức giảm mạnh nhất trong 2 tuần. Cũng chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thô, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm tới hơn 2,3% trong phiên thứ Ba và chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều giảm trở lại sau phiên tăng trước đó.

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 559,43 điểm (-3,15%), xuống 17.191,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 455,25 điểm (-2,34%), xuống 18.991,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,32 điểm (-0,38%), xuống 2.739,25 điểm.

Dữ liệu kém khả quan của Mỹ vừa công bố đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng tăng mạnh trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 3 tháng.

Kết thúc phiên 3/2, giá vàng giao ngay tăng 13,4 USD (+1,19%), lên 1.142,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3/2016 tăng 14 USD (+1,24%), lên 1.141,3 USD/ounce.

Như đã đề cập ở trên, sau 2 phiên lao dốc mạnh, giá dầu thô lình xình trong suốt phiên Á và phiên Âu trước khi bứt tăng mạnh trong phiên Mỹ sau phát biều của Ngoại trưởng Nga, làm thắp lại kỳ vọng về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn.

Kết thúc phiên 3/2, giá dầu thô Mỹ tăng 2,4 USD/thùng (+7,43%), lên 32,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,32 USD (+6,62%), lên 35,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan