Chiến tranh tài chính: Trào lưu mới?

Chiến tranh tài chính: Trào lưu mới?

(ĐTCK) Trong quá khứ, khi ngoại giao thất bại, chiến tranh thường khó tránh khỏi. Ngày nay, khi việc thuyết phục không có hiệu quả, các cường quốc nghĩ đến biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên.

Các biện pháp trừng phạt đang chiếm một vùng lộn xộn giữa những lời buộc tội và các cuộc không kích. Rất khó để tổ chức và kiểm soát tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế. Chúng có thể làm tổn thương những người vô tội và các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh. Hành động thâu tóm Crimea và hỗ trợ các phần tử ly khai ở Đông Ukraine của Nga đang đặt hiệu quả của các biện pháp trừng phạt vào một phép thử mới.

Bối cảnh hiện tại

Việc sử dụng chiến tranh tài chính như một phương cách thay thế quân đội đã và đang nổi lên trong thế kỷ 21 này. Kể từ năm 2000, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada, Nhật Bản, Israel, Nga, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế đã áp dụng các biện pháp trừng phạt trong ít nhất 20 trường hợp ở các quốc gia bao gồm Myanmar, Sudan và Syria.

Không quốc gia hiện đại nào áp dụng các vũ khí kinh tế nhiều như Mỹ. Nước này đã tiến hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư và các giao dịch tài chính khác hơn 110 lần trong thế kỷ 20 để cố gẳng làm thay đổi các chính sách, chấm dứt các chương trình vũ khí hay lật đổ một chính phủ.

Bộ Tài chính Mỹ trở thành thành viên an ninh quốc gia nổi bật sau các vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001. Cơ quan này đã tự miêu tả mình là “đội quân cổ cồn”, thực hiện 37 chương trình trừng phạt nhắm vào các chính phủ, cá nhân, nhóm khủng bố hay các tổ chức tội phạm tại khoảng 20 quốc gia. Công việc cụ thể bao gồm từ phong tỏa tài sản của các trùm ma túy Mexico, các đầu sỏ chính trị Nga cho đến việc cấm các hoạt động kinh doanh với Iran và Bắc Triều Tiên.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU hồi năm 2010, được hưởng ứng bởi tất cả các quốc gia nhập khẩu dầu thô từ Iran, đã bóp chặt sinh mệnh kinh tế, quật ngã đồng tiền của nước này, và giúp Hasan Rouhani chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 6 năm ngoái nhờ hứa sẽ giải tỏa những vấn đề trên. Chỉ trong vài tháng sau đó, Iran đã trở lại bàn đàm phán hạt nhân và chấp nhận những nhượng bộ tuy có giới hạn nhưng chưa từng xảy ra.

Nhìn lại quá khứ

Lần sử dụng áp lực kinh tế vì mục tiêu chính trị được ghi lại đầu tiên diễn ra ở Hy Lạp cổ đại (quốc gia thành phố Megara đã bị cấm giao thương với Athens trong năm 432 trước Công nguyên). Bộ Tài chính Mỹ lần đầu sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế vào trước cuộc chiến năm 1812 chống lại Anh Quốc. Woodrow Wilson là lãnh đạo hiện đại đầu tiên nâng tầm các áp lực tài chính thành một vũ khí chiến đấu.

Các đòn trừng phạt hiệu quả nhất là sử dụng nhiều nước để bao vây một nước. Chặng hạn, sự tẩy chay toàn cầu đối với Nam Phi vì chính sách phân biệt chủng tộc của nước này trong những năm 1980 đã dẫn đến cuộc bầu cử trao lại quyền lực cho người da đen đa số ở nước này.

Trường hợp tồi tệ nhất mang lại hậu quả không như ý muốn có lẽ là lệnh cấm vận dầu lửa của Mỹ áp dụng với Nhật Bản mà sau đó đã dẫn đến một chuỗi sự kiện, trong đó có vụ ném bom Trân Châu Cảng (căn cứ hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương).

Tranh luận về kiểu trừng phạt nào có thể ngăn chặn sự can thiệp của Nga ở Ukraine cho thấy mức độ nan giải trong việc áp dụng chúng sao cho thành công. Mối quan hệ thắt chặt về thương mại của EU với Nga, trong đó có lĩnh vực khí đốt, khiến châu Âu cảm thấy đắn đo với các biện pháp cấm vận thương mại, bởi chúng có thể làm tổn thương các công ty Mỹ và châu Âu.

Lúc đầu, các biện pháp trừng phạt hoàn toàn thích hợp với đối tượng là các cá nhân, lĩnh vực hay định chế - ngoại trừ thực phẩm và hàng hóa nhân đạo. Trong tháng 7, Mỹ và EU đã lần thứ hai tăng cường trừng phạt thông qua hạn chế sự tham gia của các công ty Nga vào các thị trường tín dụng và công nghệ.

Các trường hợp khó khăn nhất có lẽ là Cuba và Bắc Triều Tiên, nơi các lệnh cấm vận của Mỹ trong hơn 1 nửa thế kỷ qua đã thất bại trong việc thay đổi chế độ và chính sách ở các nước này.

Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt về thương mại chỉ có tác dụng nhiều với những quốc gia có sự phụ thuộc về thương mại và tài chính vào thế giới bên ngoài, còn các nước quân chủ khép kín thì không.

Với Nga, các biện pháp trừng phạt đã khiến cổ phiếu nước này sụt giảm, đánh tụt giá đồng ruble và đe dọa suy thoái kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu như thế đã đủ để khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin… vã mồ hôi?

Tin bài liên quan