Chiến sự tại Yemen, điểm nút cổ chai của giá dầu

(ĐTCK) Yemen không phải là quốc gia sản xuất dầu mỏ đủ lớn để tạo ảnh hưởng đến thị trường thế giới, nhưng khi không quânẢ Rập Xê - út và các đồng minh tiến hành kế hoạch tấn công nước này, thị trường dầu mỏ toàn cầu lại chao đảo mạnh, khiến giá dầu mỏ bật tăng trở lại sau khi rớt giá thê thảm từ đầu năm tới giờ.
Chiến sự tại Yemen, điểm nút cổ chai của giá dầu

Ngày 26/3, Ả Rập Xê - út và các đồng minh thân cận của mình, bao gồm các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain và Qatar đã tiến hành các cuộc không kích vào Yemen nhằm tiêu diệt lực lượng nổi dậy Houthi tại đây, theo lời kêu gọi của thủ tướng Yemen Abdurabuh Mansur Hadi. Ai Cập, Pakistan, Jordan, Morocco và Sudan cũng tham gia vào chiến dịch trên, đưa tổng số máy bay chiến đấu tại đây lên 185 chiếc, theo kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin.

Tổng thống A. Hadi của Yemen bị buộc từ chức hồi tháng 1/2015, khi lực lượng nổi dậy chiếm thủ đô Sana. Ông Hadi sau đó đã trốn thoát về Aden và tập hợp lực lượng trung thành chống lại quân nổi dậy. Tuy nhiên, lực lượng này đã bị đánh bại và quân nổi dậy đang tiến vào thành phố Aden. Đáp loại lời kêu gọi của ông Hadi, không quân Ả Rập Xê - út và các quốc gia đồng minh trong khu vực đã bắt đầu chiến dịch ném bom nhằm vào lực lượng nổi dậy ở thành phố cảng Aden này.

Michael Lynch, chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược về năng lượng và kinh tế tại Winchester cho biết: “Bất cứ khi nào có chiến tranh tại bán đảo Ả Rập, giá dầu sẽ tăng lên”.

Yemen chỉ chiếm chưa tới 0,2% sản lượng dầu đầu ra của thế giới, nhưng có chung đường biên giới với Ả Rập Xê - út, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nơi đặt hệ thống đường ống dẫn dầu, đưa dầu tới phía Tây từ vịnh Ba Tư.Giá dầu thế giới đã tăng vọt hơn 5% hôm thứ Năm vừa qua sau khi các cuộc không kích được tiến hành. Dầu Brent loại tiêu chuẩn, chiếm hơn một nửa lượng dầu thô trên thế giới, tăng 4,8% lên mức 59,19 USD trên sàn ICE Futures Europe tại London. Trong khi đó, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tiêu chuẩn của Mỹ cũng tăng 4,5% lên 51,43 USD/ounce tại New York Mercantile Exchange.

John Vautrain, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp dầu mỏ, hiện đang là chủ tịch của Công ty Tư vấn Vautrain & Co cho biết: “Người ta không quan tâm tới hàng chục nghìn thùng dầu tại Yemen, vấn đề thực sự được quan tâm là hàng triệu thùng dầu tại Ả Rập Xê - út”.

Yemen sản xuất khoảng 133.000 thùng dầu mỗi ngày, và giữ vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ 39 trên thế giới, theo thông tin từ Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Nước này xuất khẩu khoảng 440.000 thùng dầu mỗi ngày theo thống kê của Bộ năng lượng Yemen. Trong khi đó, Ả Rập Xê - út sản xuất 9,85 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2/2015, theo số liệu của Bloomberg và hiện là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Yemen nằm ở ngay eo biển Bab el-Mandeb, tại cửa biển Hồng Hải, một trong những nút thắt quan trọng đối với thị trường dầu toàn cầu. Theo số liệu của EIA, mỗi ngày có khoảng 3,8 triệu thùng dầu được vận chuyển qua Bab el-Mandeb đến châu Âu, châu Á và Mỹ, biến đây thành điểm trung chuyển dầu lớn thứ 4 thế giới.  Eo biển này cho phép tiếp cận các cảng dầu và nhiều đường ống dẫn dầu của các doanh nghiệp quốc doanh Ai Cập, Ả rập Xê út, UAE, Qatar. Nếu Bab el-Mandeb bị phong tỏa hoặc chỉ cần thị trường lo ngại eo biển này bị đóng cửa cũng sẽ khiến thị trường dầu chao đảo.

EIA khẳng định rằng, nếu Bab el-Mandeb bị đóng, các tàu chở dầu từ vùng Vịnh đến kênh đào Suez hay đường ống dẫn dầu SUMED, sẽ phải vòng qua châu Phi, điều này khiến chi phí vận chuyển tăng, mất nhiều thời gian vận chuyển hơn. Hơn nữa, dòng dầu từ châu Âu và Bắc Phi sẽ không còn thể chuyển trực tiếp đến các thị trường châu Á qua kênh Suez và Bab el-Mandeb. “Nếu tình hình chiến sự tại Yemen tiếp tục leo thang, chắc chắn các đường ống dẫn dầu quốc tế cũng như việc vận chuyển dầu sẽ bị đe dọa”, EIA cho biết.

Trước những thông tin tiêu cực từ Yemen, giá dầu Brent giao sau tháng 5 tăng 2,71USD lên mức 59,19 USD/thùng tại London ICE Futures Europe, mức cao nhất kể từ 6/3. WTI giao sau tháng 5 tăng 2,22 USD lên mức 51,43 USD/thùng tại New York Mercantile Exchange, mức cao nhất kể từ 4/3. Giá dầu cũng đã tăng khoảng 17% kể từ 19/3 nhờ đồng USD yếu đi.

Hiện tại, Total SA, công ty của Pháp chiếm khoảng 40% cổ phần tại các nhà máy khí đốt tự nhiên ở phía nam Yemen, cho biết họ đang tiếp tục bơm dầu và khí đốt tại Yemen như bình thường, cho dù Ả rập Xê út và các đồng minh đang ném bom vào các mục tiêu tại quốc gia này. Người phát ngôn của Total cho biết: “Các nhà máy của tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công quân sự, tuy nhiên, các biện pháp an ninh đang được đặt ở mức cao nhất”. 

Tin bài liên quan