Thủ tướng Anh muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước cuối năm 2017 về việc Anh có nên ở lại EU hay không

Thủ tướng Anh muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước cuối năm 2017 về việc Anh có nên ở lại EU hay không

Châu Âu và mối lo ngại Anh rút ra khỏi EU

(ĐTCK) Mối lo ngại về vấn đề nợ của Hy Lạp chỉ vừa lắng xuống thì giới đầu tư lại thêm bất an khi Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng về việc nước này có thể rút ra khỏi liên minh châu Âu (EU) do những bất đồng về chính sách nhập cư.

Mới đây, trong cuộc họp thường niên của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) diễn ra hôm thứ Năm (5/3), Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi cho biết gói nới lỏng định lượng trị giá 1,1 nghìn tỷ euro (1,2 nghìn tỷ USD) sẽ chính thức có hiệu lực vào thứ Hai (9/3). Ông cho biết thêm gói QE này sẽ giúp kinh tế châu Âu có mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2007 đồng thời giúp lạm phát đạt mức mục tiêu trong vòng 3 năm.

Ngay từ khi thông tin về chương trình mua lại trái phiếu của ECB được công bố đầu năm nay, chứng khoán châu Âu đã nhận được trợ lực tích cực, giúp thị trường này có khởi đầu tuyệt vời nhất trong 2 thập kỷ qua. Giám đốc chiến lược ngân hàng tại châu Âu và Anh của Citigroup, Jonathan Stubbs cho biết chứng khoán châu Âu sẽ tăng thêm 14% trong năm nay.

Chỉ số Stoxx Europe 600 đã tăng gần 15% trong năm 2015, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Citigroup dự đoán chỉ số này sẽ đóng cửa ở mức 450 trong năm nay, có nghĩa rằng Stoxx Europe đã tăng 31% so với mức cuối năm ngoái và đây sẽ là mức đóng cửa tốt nhất từ năm 1999. Tập đoàn này cũng cho biết họ dự đoán Stoxx 600 sẽ đạt 550 điểm cho tới tháng 12/2006.

Tuy nhiên, niềm vui của giới đầu tư không thể trọn vẹn trước cảnh báo của Thủ tướng Anh, ông David Cameron về việc nước này có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu liên minh này cố tình ngăn cản ông trong nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận của những người nhập cư EU vào hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh.

Cùng với Đức và Pháp, Anh là một trong những thành viên có tiếng nói hàng đầu trong Liên minh châu Âu. Chính bởi vậy việc Anh dọa rút khỏi EU cho thấy những mâu thuẫn khó hòa giải trong nội bộ của liên minh này.

 Ông David Cameron, thành viên của Đảng Bảo Thủ, một trong hai chính đảng lớn tại Anh, đang tích cực tiến hành các chiến dịch tái tranh cử trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào 7/5 tới. Trong chiến dịch vận động của mình, ông Cameron đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đạt được các mục tiêu, trong đó có cả mục tiêu đòi hỏi EU phải thay đổi nếu muốn Anh tiếp tục là thành viên của liên minh này.

Thủ tướng Cameron cũng cho biết chính phủ của ông sẽ tìm cách thúc đẩy việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không nếu đảng Bảo thủ của ông thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 5. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông Cameron cho biết :“Cuộc trưng cầu dân ý phải diễn ra trước cuối năm 2017. Nếu chúng ta có thể đẩy kế hoạch được sớm hơn thì tôi sẽ rất vui”.

Lý do ông David Cameron tuyên bố muốn Anh ra khỏi EU là bởi những bất đồng của ông đối với tình trạng nhập cư vào nước này của các công dân trong liên minh. Nhà lãnh đạo Cameron cho biết, ông muốn lao động nhập cư vào Anh cần phải làm việc ở nước này đủ 5 năm trước khi muốn được tiếp cận vào quỹ phúc lợi xã hội của Anh và những người nhập cư thất nghiệp của EU sẽ không được quyền hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hệ thống phúc lợi xã hội tại đây.

Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 6/3, cuộc đua tranh trước tổng tuyển cử vào tháng Năm tới ở Anh sẽ diễn ra căng thẳng và sít sao khi các chính đảng khó có thể bứt phá để giành đa số phiếu, đủ để thành lập chính phủ. Cả đảng Bảo thủ cầm quyền hiện nay lẫn Công đảng đối lập – hai chính đảng chủ chốt, đều khó giành được đa số phiếu cần thiết để tự mình đứng ra thành lập chính phủ kế tiếp tại Anh.

Nhóm nghiên cứu The Open Europe đã tiến hành một cuộc điều tra trong tháng trước với chủ đề “Brexit Barometer”, kết quả nhận được cho thấy cơ hội cho Anh rời khỏi liên minh EU lên tới 17%.

Giám đốc điều hành tại Group Lotus Plc cho biết :”Đây là một quyết định lớn và nó sẽ ảnh hưởng tới nước Anh hơn cả những gì người ta có thể tưởng tượng ra”. Các nhà điều hành cũng như giới đầu tư cho rằng viễn cảnh rút ra khỏi EU có thể làm ảnh hưởng tới sự tự tin của chứng khoán, trái phiếu và đồng bảng Anh cũng như khiến các công ty ngừng mọi hoạt động tiêu dùng.

Giám đốc thu nhập cố định của Investec Asset Management tại London, ông John Stopford cho biết: “Thị trường không thích những kết quả mơ hồ, và việc rời khỏi EU ẩn chứa khá nhiều yếu tố bất ổn”.

Trước đó, chỉ số FTSE 100 của Anh đã lên mức kỷ lục mới hôm thứ Năm (5/3) nhờ trợ lực từ gói nới lỏng định lượng, các nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ có phản ứng trước bất kỳ thông tin nào liên quan tới vấn đề rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu của nước này. Trong báo cáo cuối tuần này, các chuyên gia tại Societe Generale SA cho biết việc rút khỏi EU có thể khiến chỉ số FTSE 100 giảm tới 20% cho tới cuối năm 2017.

Tin bài liên quan