Evan Spiegel

Evan Spiegel

CEO vạ miệng, Snapchat bị tẩy chay ở Ấn Độ

(ĐTCK) Mới đây, ngay sau khi có nguồn tin cho biết Giám đốc điều hành (CEO) Snapchat Evan Spiegel từng có lần nói rằng không muốn mở rộng kinh doanh sang “các nước nghèo” như Ấn Độ, ứng dụng của tỷ phú trẻ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ người dùng tại quốc gia này.

Cụ thể, một nhân viên cũ của Snapchat là Anthony Pompliano đã tiết lộ một phát ngôn từ năm 2015 của CEO Evan Spiegel. Pompliano là người từng phụ trách dẫn dắt các kế hoạch tăng trưởng của ứng dụng  Snapchat hồi năm 2015.

Theo lời người này, trong một cuộc họp hồi tháng 9/2015, khi bàn về các kế hoạch tăng trưởng quốc tế của ứng dụng Snapchat, CEO Evan Spiegel đã không chấp nhận các kế hoạch của mình về việc phát triển ứng dụng Snapchat tại các thị trường đang phát triển như Ấn Độ.

Lý do mà Evan Spiegel đưa ra là ứng dụng Snapchat chỉ dành cho người giàu, vì thế chỉ phù hợp phát triển ở thị trường Mỹ, châu Âu và sẽ không mở rộng sang “các nước nghèo” như Ấn Độ...

Hiện tại, Snapchat có hơn 4 triệu người dùng ở Ấn Độ. Sau khi thông tin trên được đưa ra, ứng dụng này đã vấp phải sự phản đối từ một số lượng lớn người dùng. Trên kho ứng dụng App Store và Play Store, ứng dụng Snapchat liên tục nhận được các đánh giá 1 sao và phản hồi tiêu cực từ người sử dụng. Vị trí trên các bảng xếp hạng ứng dụng của Snapchat liên tục tụt dốc không phanh.

Một người dùng đã thẳng thắn lên án CEO Snapchat trên App Store: “Tôi đã chẳng thèm cho 1 sao nào với ứng dụng này. Evan đã chứng tỏ mình ngu ngốc thế nào khi nói ra điều đó. Tôi cược rằng, 3/4 số nhân viên trong công ty của anh ta là người Ấn Độ. Nếu anh ta không muốn mở rộng ứng dụng đến các nước nghèo, thì tại sao nó lại miễn phí?”.

Những chia sẻ khác cũng cho thấy, nhiều người dùng tại Ấn Độ đã gỡ bỏ cài đặt ứng dụng này trên di động của mình và mong Snap Inc (công ty sở hữu Snapchat) sẽ “sập càng sớm càng tốt”.

Trước làn sóng tẩy chay, giá cổ phiếu của Snap Inc liên tục sụt giảm trong các phiên giao dịch gần đây. Sau khi sự việc vượt quá tầm kiểm soát, phát ngôn viên của Snap Inc đã phải lên tiếng phủ nhận cáo buộc của cựu nhân viên Anthony Pompliano. Phát ngôn viên của Snap Inc cho rằng, cáo buộc trên là lố bịch và CEO Evan Spiegel chưa từng nói những điều gì tương tự như vậy.

“Rõ ràng Snapchat là ứng dụng dành cho tất cả mọi người, nó có sẵn trên toàn thế giới và mọi người có thể tải về miễn phí. Những cáo buộc trên được viết bởi một cựu nhân viên không hài lòng với Công ty. Chúng tôi thực sự rất biết ơn cộng đồng Snapchat tại Ấn Độ, cũng như trên toàn thế giới”, phát ngôn viên này nói.

Đây không phải là lần đầu tiên một ông chủ tại Thung lũng Silicon phải đối mặt với chỉ trích từ các phương tiện truyền thông xã hội sau khi đưa ra bình luận về Ấn Độ. Hồi đầu năm 2016, Marc Andreessen, Thành viên Hội đồng quản trị của Facebook, đã có những bình luận khiếm nhã về Ấn Độ sau vụ việc các cơ quan của nước này chặn dịch vụ internet.org của Facebook.

Cụ thể, Andreessen đã đăng một dòng tweet trên Twitter với nội dung rằng, “việc chống chủ nghĩa thực dân đã làm cho Ấn Độ tụt hậu hàng chục năm”. Người dân Ấn Độ đã ngay lập tức bày tỏ sự giận dữ mạnh mẽ với nhận định này.

Andreessen sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi sâu sắc khi thừa nhận rằng, bình luận của mình là “không chính thức” và “thiếu khôn ngoan”, đồng thời nói thêm rằng, mình là người “100% chống lại chủ nghĩa thực dân và yêu chuộng độc lập tự do”. CEO Mark Zuckerberg khi đó cũng đã phải lên tiếng để xoa dịu dư luận.

“Tôi cảm thấy hết sức thất vọng về những bình luận này. Chúng không thể hiện được cách mà Facebook cũng như tôi suy nghĩ”, Mark Zuckerberg nói.

Rõ ràng, với dân số hơn 1 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty công nghệ khai thác lượng người dùng. Snapchat, Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào khác sẽ không muốn để tuột khỏi tay mình lượng người dùng đông đảo đó.

Tin bài liên quan