Phố Wall cũng đánh giá cao CEO này, khi giá cổ phiếu Microsoft đã tăng gần gấp đôi kể từ khi Nadella nhận chức.
Dưới đây là những bước chuyển mình lớn nhất mà CEO Satya Nadella đã thực hiện tại Microsoft:
Thâu tóm LinkedIn - Thương vụ lớn nhất lịch sử Microsoft
Cuối năm 2016, LinkedIn, mạng xã hội được coi là “thế giới CV” cho rất nhiều người dùng chuyên nghiệp trên toàn cầu, đã được Microsoft bỏ ra tới 26,2 tỷ USD để sở hữu, gấp hơn 3 lần số tiền chi cho Nokia.
LinkedIn chính là tài sản đáng giá giúp đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai: Microsoft là ông vua trên lĩnh vực doanh nghiệp và LinkedIn giúp tất cả các mối quan hệ, các nhu cầu nhân sự trong giới doanh nghiệp đều sẽ xuất hiện trên môi trường của Microsoft trước tiên.
Nói cách khác, LinkedIn đảm bảo rằng, không một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Microsoft trên lĩnh vực doanh nghiệp, vốn là “sân nhà” của Satya Nadella.
Làm dịu lại cuộc chiến với Apple
Microsoft và Apple đã luôn ở 2 đầu chiến tuyến trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của Nadella, cuộc chiến 2 hai bên đã phần nào hạ nhiệt, nhường chỗ cho sự hợp tác.
Năm 2014, Microsoft công bố rằng gói ứng dụng Office của mình sẽ được chạy trên iPad, cho phép người dùng truy cập vào tất cả các ứng dụng văn phòng quen thuộc nếu họ đăng ký thuê bao dịch vụ Office 365.
Mục tiêu của Nadella là giúp cho Microsoft cung cấp các dịch vụ và ứng dụng như Office cho tất cả các loại thiết bị, dù thiết bị đó chạy Windows hay một nền tảng đối thủ như Android hay iOS.
Không chỉ vậy, tại sự kiện Dreamforce năm 2015, CEO này còn “gây bão” khi sử dụng iPhone để giới thiệu ứng dụng email Outlook trên smartphone.
Tất nhiên, sự cạnh tranh giữa Microsoft và Apple vẫn mạnh mẽ, nhưng tinh thần lãnh đạo cởi mở của Nadella đã cho thấy, 2 gã khổng lồ công nghệ này vẫn có thể là bạn.
Mang lại lợi nhuận cho Microsoft
6 tháng trước khi Nadella tiếp quản vị trí CEO, Microsoft đã lần đầu tiên công bố quý kinh doanh thua lỗ. Dưới sự dẫn dắt của Nadella, 4 quý vừa qua, Microsoft đã hoạt động có lãi và hiện đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng gần hai con số trong mảng kinh doanh điện toán đám mây của mình.
Trong quý II/2017 (quý IV năm tài khóa 2016, kết thúc vào ngày 30/6), Microsoft đạt tổng doanh thu 23,3 tỷ USD và lợi nhuận 6,5 tỷ USD. Cùng kỳ năm ngoái, Microsoft đạt doanh thu 20,6 tỷ USD và lợi nhuận chỉ là 3,1 tỷ USD. Kết quả này đã chứng minh sự tăng trưởng mạnh mẽ của gã khổng lồ phần mềm sau những thay đổi lớn.
Phát hành chiếc máy tính xách tay đầu tiên
Cuối năm 2015, Nadella đã chứng kiến Microsoft gia nhập thị trường máy tính xách tay khi ra mắt Surface Book, dòng laptop đầu tiên của Công ty. Giống như Surface Pro cũ, Surface Book có một màn hình có thể tháo rời được và hoạt động như một máy tính bảng.
Vào thời điểm phát hành, Surface Book đã được nhận định là thách thức thật sự mà Microsoft đặt ra trước Apple trong thị trường máy tính xách tay màu mỡ.
Gặt hái thành quả từ điện toán đám mây
Cựu CEO Microsoft Steve Ballmer là người đã bắt đầu đưa Microsoft vào thị trường điện toán đám mây, song Nadella được cho là người đã củng cố lĩnh vực này.
Azure, dịch vụ điện toán đám mây do Microsoft cung cấp hiện đang là đối thủ cạnh tranh số một với Amazon Web Services. Chính Nadella là người đã lãnh đạo Bộ phận Máy chủ và công cụ, trong đó có những sản phẩm như Microsoft Server, SQL và Azure, từ trước khi nhận chức CEO. Dưới sự chèo lái của ông, doanh thu của dịch vụ Azure đã tăng trưởng mạnh và trở thành một trụ cột vững chắc cho Microsoft.
Theo báo cáo thu nhập gần đây nhất của Microsoft, doanh thu của Azure tăng 93%. Doanh số bán hàng của Intelligent Cloud, bao gồm Azure, là 6,7 tỷ USD, trên tổng doanh thu 23,3 tỷ USD của Công ty trong quý vừa qua.
Giá cổ phiếu Microsoft đạt kỷ lục
Cổ phiếu của Microsoft bắt đầu tăng giá vào khoảng năm 2013 và tiếp tục bước tiến lớn hơn, với tốc độ nhanh hơn sau khi Nadella trở thành CEO, nhờ sự ủng hộ cao từ giới đầu tư phố Wall. Tháng 10/2016, cổ phiếu của ông lớn công nghệ này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, phá vỡ mức kỷ lục vào năm 1999 - thời điểm đỉnh cao của bong bóng chứng khoán công nghệ.
Nhà phân tích Keith Weiss từ Morgan Stanley tin rằng, giá trị cổ phiếu Microsoft sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới, thậm chí đạt kỷ lục 102 USD/cổ phiếu nhờ đầu tư vào điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.