CEO Facebook - Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Hạ viện. Ảnh: Bloomberg

CEO Facebook - Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Hạ viện. Ảnh: Bloomberg

CEO Facebook: Người dùng có quyền tối cao kiểm soát thông tin

Lý lẽ "chưa cần tăng giám sát với Facebook vì người dùng dễ dàng kiểm soát thông tin" của Mark Zuckerberg, không thuyết phục với các nghị sỹ Mỹ. 

“Mỗi khi ai đó chọn chia sẻ thông tin trên Facebook, họ kiểm soát được nó, ngay tại đó, chứ không phải mò mẫm một tùy chọn trong phần Thiết lập”, Mark Zuckerberg cho biết trong buổi điều trần vừa kết thúc tại Hạ viện Mỹ. Anh khẳng định người dùng có quyền kiểm soát tối cao với thông tin trên Facebook của mình.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu dữ liệu của anh có bị chia sẻ trái phép với Cambridge Analytica, CEO Facebook chỉ trả lời “Có” mà không đưa ra thêm chi tiết.

Sự thừa nhận của anh càng khiến các nghị sĩ Mỹ cảm thấy khó thuyết phục với lý lẽ rằng người dùng có thể dễ dàng bảo vệ thông tin cá nhân và tăng giám sát Facebook là không cần thiết. “Làm thế nào người dùng kiểm soát được dữ liệu của mình, khi chính Facebook cũng không làm được điều này?”, Hạ nghị sĩ Frank Pallone nghi ngờ.

Trong phiên điều trần, Zuckerberg liên tục bảo vệ các hoạt động của công ty. Anh khẳng định người dùng có quyền quyết định sẽ chia sẻ điều gì.

Anh cho biết không quen thuộc với “hồ sơ ngầm” – thuật ngữ giới truyền thông dùng để nói về sự tồn tại của các dữ liệu mà người dùng không biết hoặc không kiểm soát được. Zuckerberg cũng phủ nhận việc Facebook thu thập thông tin từ các cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Debbie Dingell cho rằng Facebook đã sử dụng các đoạn mã nhúng trong website để thu thập thông tin của gần như tất cả người dùng trực tuyến, dù họ có thích hay không.

“Bạn có hay không có tài khoản Facebook cũng chẳng sao. Qua các công cụ này, Facebook có thể thu thập dữ liệu của tất cả chúng ta”, Dingell nhận xét khi nhắc tới các nút “Like” của Facebook xuất hiện trên rất nhiều website. Zuckerberg đã không thể trả lời Dingell khi bà hỏi bao nhiêu trang web có những nút như vậy.

Zuckerberg sau đó tiết lộ họ “thu thập dữ liệu của cả những người không có tài khoản, vì mục đích bảo mật”. Anh đã không có câu trả lời khi được hỏi về cách những người này xóa thông tin khi không phải là người dùng Facebook.

Liên quan đến vấn đề của Cambridge Analytica, Zuckerberg cho biết họ sẽ phải mất “nhiều tháng” để thực hiện một cuộc kiểm tra các ứng dụng có thể đã thu thập hoặc chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng.

Nhưng cũng như trong phiên điều trần trước đó với Thượng viện Mỹ, ông chủ Facebook không đưa ra thêm lời hứa ủng hộ hệ thống quy định mới hay thay đổi cách thức kinh doanh của mạng xã hội này. Anh chỉ khẳng định các công ty Internet “không tránh khỏi việc bị tăng cường quản lý”, và né tránh nói chi tiết.

Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ - Greg Walden sau đó cho biết đang bàn bạc với các nghị sĩ để tổ chức những cuộc điều trần tương tự với lãnh đạo các hãng công nghệ khác.

“Đây là hồi chuông cảnh tỉnh với Thung lũng Silicon và cộng đồng công nghệ. Rằng nếu anh để mọi thứ vuột khỏi tầm tay, khiến vấn đề lớn dần trong một môi trường ít bị kiểm soát, anh sẽ phải nhận về nhiều sự kiểm soát hơn mong đợi”, ông nói.

Tin bài liên quan