Tidjane Thiam

Tidjane Thiam

CEO Credit Suisse lao đao trước biến động dồn dập

(ĐTCK) Giám đốc điều hành Credit Suisse, Tidjane Thiam từng nói rằng ông là người thích làm việc dưới áp lực. Song, áp lực thực sự đã liên tục dồn xuống ông trong một năm qua kể từ khi chèo lái ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sĩ…

Những vấn đề cần phải giải quyết đều không hề dễ dàng đối với một người trước đó chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng như Thiam. Các nhà đầu tư của Credit Suisse đang tỏ ra nghi ngờ năng lực lãnh đạo của ông, khi mà cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sĩ này đã chạm mức thấp kỷ lục trong tháng 6 vừa qua, giảm tận 51% kể từ khi Thiam đảm nhiệm vị trí CEO vào ngày 1/7 năm ngoái.

Sự tụt dốc này được cho là kết quả của quyết định “chuyển dịch” mà CEO Tidjane Thiam công bố vào hồi tháng 10, khi ông vạch ra đường lối cho Credit Suisse là cắt giảm quy mô của bộ phận ngân hàng đầu tư và tập trung hơn vào mảng quản lý tài sản cá nhân cho người giàu. Thực tế, quyết định này cũng một phần dựa trên bối cảnh CEO tiền nhiệm Brady Dougan bị chỉ trích vì đã không theo chân đối thủ cạnh tranh nội địa là Ngân hàng UBS trong việc cắt giảm mạnh tay chi phí ở bộ phận ngân hàng đầu tư mà ước tính sẽ chiếm hơn 60% nguồn vốn có sử dụng đòn bẩy tài chính của Credit Suisse.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã sụt giảm liên tiếp trong hai quý đầu tiên sau khi Thiam công bố chiến lược. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong nhóm các ngân hàng đầu tư toàn cầu, theo số liệu của Bloomberg. Ngày 1/7 năm nay, cổ phiếu của Credit Suisse đóng cửa ở mức 10,53 franc Thụy Sĩ (10,82 USD/cổ phiếu), ngân hàng được định giá ở mức 22 tỷ franc Thụy Sĩ.

Bên cạnh sự tụt dốc của cổ phiếu, Credit Suisse còn gặp nhiều khó khăn với vấn đề vùng đệm vốn dự phòng và ở thế bất lợi hơn so với UBS. Các nhà phân tích của UBS vào hôm thứ Tư tuần trước đã cho biết, sau cuộc bỏ phiếu Brexit, Credit Suisse có thể sẽ phải trả cổ tức bằng tiền mặt trong một thời gian nhằm tiếp tục xây dựng lại vùng đệm vốn.

Trong bối cảnh bất lợi đó, CEO Tidjane Thiam đã khẳng định trên tờ SonntagsBlick rằng ngân hàng mà ông đã dẫn dắt một năm qua nhất định sẽ không bị phá sản hay bán lại. “Tập đoàn sẽ vẫn được giữ nguyên”, Thiam nói.

Những khó khăn hiện tại của Credit Suisse cũng đã gây áp lực lên Chủ tich Urs Rohner - người đã thuê Tidjane Thiam. Ông biết rằng nếu giám đốc điều hành của mình không giải quyết được rắc rối thì có khả năng lớn là cả hai người sẽ phải rút lui khỏi Credit Suisse.

Nhìn lại quá khứ, mới chỉ cách đây vừa tròn một năm, Tidjane Thiam đã có một khởi đầu ấn tượng khi mới bước chân vào Credit Suisse. Sau thông tin về quyết định bổ nhiệm CEO mới, giá cổ phiếu của Credit Suisse tại Sở GDCK Zurich (Thuỵ Sỹ) tăng gần 8% lên 25,04 franc Thuỵ Sỹ/cổ phiếu, cho thấy phản ứng tích cực của giới đầu tư đối với vị CEO da màu cũng như làm thay đổi đáng kể không khí làm việc tại ngân hàng này.

Sở dĩ Tidjane Thiam được đánh giá cao bởi các mối quan hệ quốc tế sâu rộng và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực quản trị rủi ro, quản lý tài sản cũng như xây dựng các thị trường mới. Năm 1994, ông đã được Chính phủ Bờ Biển Ngà mời về làm việc với vai trò là cố vấn cao cấp về kinh tế - cơ sở hạ tầng, rồi được giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển.

Năm 2009, ông được bổ nhiệm vào chức CEO của Công ty bảo hiểm Anh Prudential. Tính ra, trong gần 6 năm kể từ khi ông giữ chức CEO của Prudential, lợi nhuận của tập đoàn này đã tăng gấp đôi và giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần. Thiam cũng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất trong danh sách FTSE 100.

Cũng như John Cryan của Deutsche BanK hay Bill Winters của Standard Chartered, Thiam là vị CEO nằm trong chiến dịch “thay máu” dàn lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng lớn ở châu Âu hồi tháng 7 năm ngoái, trong bối cảnh các ngân hàng này liên tục hoạt động kém hiệu quả, tái cấu trúc chậm chạp và vướng phải hàng loạt vụ kiện tụng liên quan đến các vấn đề pháp lý tốn kém hàng tỷ USD. Tại thời điểm Thiam được chiêu mộ về Credit Suisse, các nhà đầu tư và giới phân tích đều đã đặt kỳ vọng rất lớn ở khả năng lèo lái của ông.

Song, trong bối cảnh đầy biến động của thị trường hiện nay, cùng những tác động chưa thể xác định một cách toàn diện và rõ rệt của Brexit, những thử thách mới chắc chắn sẽ còn tiếp diễn tại Credit Suisse và sẽ còn khiến Thiam gặp phải nhiều rắc rối hơn nữa. Vị CEO 53 tuổi này rồi sẽ phải quen dần với những áp lực mà có thể trước đây ông chưa từng nếm trải.

Tin bài liên quan