Jeff Bezos

Jeff Bezos

CEO Amazon nhượng bộ vì những mục tiêu dài hạn

(ĐTCK) Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Amazon (Mỹ), Jeff Bezos, nổi tiếng là một người không khoan nhượng trong hoạt động điều hành và luôn nỗ lực hướng Amazon tới những thành công vang dội.

Tuy nhiên, ông chủ của tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ này cũng sẵn sàng linh hoạt, mềm mỏng hơn và thay đổi chiến lược kinh doanh khi cần thiết.

Mới đây, Jeff Bezos đã tạo ra bước ngoặt mới trong mảng kinh doanh sách của Amazon với quyết định kết thúc những tranh cãi kéo dài với nhà xuất bản Hachette (Pháp) liên quan tới giá sách điện tử. Amazon có vẻ đã đưa ra một số nhượng bộ lớn, khi từ bỏ quyền bán sách điện tử với bất kỳ mức giá nào mà tập đoàn này muốn. Thay vào đó, Amazon sẽ cho phép Hachette ấn định giá tối thiểu sản phẩm sách điện tử và trả hoa hồng cho các nhà phân phối khác theo mô hình đại lý, đồng thời đưa ra thêm một số ưu đãi cho Hachette để giảm giá bán.

Trên thực tế, một mức giá thấp là tối quan trọng với mô hình kinh doanh trực tuyến của Amazon. Không chỉ chấp nhận những nhượng bộ chưa từng có tiền lệ, Amazon còn đưa ra lời đề nghị tương tự với nhà xuất bản khác, Simon & Schuster.

Ông Bezos quyết định thay đổi cách tiếp cận của mình, khi nhận thấy những tranh chấp kéo dài chỉ gây thiệt hại lớn hơn tới hoạt động kinh doanh của Công ty. Trước đó, Amazon đã tiến hành chặn các loại sách do Hachette phát hành trên gian hàng vật lý và trực tuyến của mình, đồng thời thông báo tới khách hàng tiềm năng là các loại sách này chưa có sẵn. Đây dường như là một cách thức hiệu quả để Amazon gây sức ép lên nhà xuất bản Hachette trong suốt giai đoạn tranh chấp vừa qua. Thậm chí, ông Bezos còn áp dụng chiến thuật tương tự với nhiều nhà xuất bản khác trong những năm qua.

Tuy nhiên, “mánh khóe” này của Amazon cũng bộc lộ những sai lầm với những tựa sách của các tác giả nổi tiếng do Hachette phát hành, những người sau đó phát hiện ra sách của mình không xuất hiện và được bày bán trên Amazon. Hệ quả là, doanh số sách của Hachette giảm gần 20% trong quý III/2014 so với cùng kỳ năm ngoái, còn Amazon thì bị một số nhà văn có tên tuổi tố cáo như Donna Tartt và Malcolm Gladwell.

Do đó, mục tiêu tối quan trọng của Amazon lúc này là nhanh chóng đưa trở lại các đầu sách ăn khách này “lên kệ” trước giai đoạn mua sắm Giáng sinh nhộn nhịp sắp tới. Mối quan tâm rõ ràng của Amazon là nếu sách điện tử có giá cao thì điều đó đồng nghĩa với việc phân khúc thị trường của sản phẩm này sẽ bị thu hẹp hơn. Chỉ cần giảm giá một chút, phân phối mạnh và bán được nhiều hơn thì sách điện tử vẫn đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đây cũng chính là lý do mà Hachette tranh cãi kịch liệt với Amazon xung quanh các mô hình đại lý. Nhà xuất bản Pháp này đã bán được một số lượng đáng kinh ngạc các ấn phẩm sách điện tử ở thị trường Mỹ nhờ đánh trúng thị hiếu tiểu thuyết hư cấu của độc giả, đặc biệt là chủ đề tội phạm và lãng mạn. 

Lập luận của Hachette trong các tranh cãi với Amazon là nhà xuất bản này cần một biên độ giá đủ cao để bù đắp cho doanh thu đang sụt giảm của phân khúc sách in. Trên thực tế, lợi nhuận của Hachette sẽ tụt dốc mạnh nếu Amazon ép nhà xuất bản này chấp nhận mức giá sách điện tử thấp hơn. Ước tính, khoảng 40% lợi nhuận bán sách của thị trường Mỹ là từ phân khúc trực tuyến.

Ngay cả khi Amazon để Hachette nắm quyền kiểm soát ấn định giá sách điện tử, thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc tập đoàn bán lẻ trực tuyến này chấp nhận tiếng nói của mình bị coi nhẹ. Thậm chí, nhiều khả năng Hachette có thể đối mặt với một số ràng buộc cứng rắn hơn nếu nhà xuất bản này thất bại trong việc đem lại một doanh số bán hàng thỏa đáng. Khi đó, Amazon có thể được phép bán sách với bất kỳ giá nào mà mình muốn, hay nhận hoa hồng nhiều hơn từ mỗi cuốn sách bán được.

Tin bài liên quan