Kevin Systrom, CEO Instagram

Kevin Systrom, CEO Instagram

Câu chuyện làm giàu nhờ ý tưởng thần kỳ của CEO Instagram

(ĐTCK) Báo chí không nói nhiều về Instagram, mà chỉ tập trung về khía cạnh giàu nhanh đến mức không thể tin nổi của Kevin Systrom, mới 28 tuổi, trong vòng 18 tháng kiếm được tròn 400 triệu USD.

Chuyện kiếm tiền của Kevin Systrom gần như... tay không bắt giặc.

Trong tuần qua, mạng xã hội Facebook đã đạt được thoả thuận mua lại Instagram, một dịch vụ chia sẻ ảnh với giá 1 tỷ USD. Hay nói cho đúng hơn là Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook đã trực tiếp thương lượng và ký kết với Kevin Systrom, CEO của Instagram thoả thuận trên.

Instagram là ứng dụng di động, được chính thức ra mắt từ tháng 10/2010, cho phép người dùng chụp ảnh từ điện thoại di động, sau đó thêm các hiệu ứng trên hình ảnh và chia sẻ chúng lên nhiều dịch vụ mạng xã hội khác nhau. Những người sử dụng iPhone đã quá quen với ứng dụng này. Một tính năng đặc biệt của Instagram là hình ảnh sau khi xử lý sẽ có kích cỡ vuông, thay vì hình ảnh có tỷ lệ 4:3 thường được chụp từ máy ảnh kỹ thuật số hay từ camera của điện thoại di động. Ban đầu, Instagram chỉ dành cho nền tảng iOS của Apple, nhưng mới đây, phiên bản Android của Instagram cũng đã chính thức ra đời.

Điều khá bất ngờ là Instagram hiện chỉ vẻn vẹn 13 người, bao gồm cả 2 người đồng sáng lập là Kevin Systrom và Mike Krieger. Trong số 11 thành viên khác, đa phần đều mới gia nhập Công ty trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, khi ứng dụng Instagram đã bắt đầu phát triển.

Vậy số tiền 1 tỷ USD của Facebook sẽ được chia bôi ra sao?

Kevin Systrom hiện đang sở hữu 40% cổ phần của Công ty, nên có quyền “bỏ túi” 400 triệu USD. Trong khi đó, Mike Krieger chỉ nắm 10% cổ phần, sẽ được chia 100 triệu USD.

Không ít ý kiến cho rằng, cái giá 1 tỷ USD là ảo và không thể tin nổi. Song theo nhiều nhà phân tích, phải nhìn xa trông rộng thì mới thấy ông Mark Zuckerberg không ngờ nghệch đến mức “cúng tiền” cho thiên hạ.

Đứng ở góc độ của mình, Facebook muốn “nạp đầy đạn” để thật tự tin, khi thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sàn Giao  dịch chứng khoán NASDAQ (New York), có thể ngay trong tháng 5 tới. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ theo đúng kịch bản tối ưu, IPO của Facebook sẽ đạt 5 tỷ USD, theo đó giá trị vốn hoá của Facebook ước đạt tới 100 tỷ USD. Mới đây, đã có thông tin nói rằng, số người tham gia mạng xã hội này đã chạm ngưỡng gần 1 tỷ người, một con số thật khó tin. Trong vòng 1 năm, Instagram đã thu hút được hơn 30 triệu người sử dụng. Phát triển nhanh như vậy, nên Mark Zuckerberg phải gờm và lường trước sự nguy hiểm của Instagram một khi bị rơi vào tay các đối thủ như Twitter, Google...

Ông Ray Valdes, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Hãng Gartner (Mỹ) nhận xét: “Thực ra, giá trị của Instagram không đến mức đó, song nếu rơi vào tay đối thủ thì giá lại là vô cùng. Đấy là lý do vì sao mà Facebook trả giá cao đến như vậy”.

Từ trước đến giờ, Facebook chỉ mua lại các công ty nhỏ, chẳng hạn như Push Pop Press Inc. hay Beluga Inc., với số tiền đều chưa đến 100 triệu USD.

Còn đứng ở góc độ khác, ông Paul Saffo, một chuyên gia công nghệ thông tin sống và làm việc tại Thung lũng Sillicon lại cho rằng, Kevin Systrom làm giàu nhờ vào ý tưởng cho ra đời Instagram.

“Ở Thung lũng Sillicon, còn rất nhiều tiền chực sẵn để sẵn sàng tung ra sở hữu một số không nhiều ý tưởng đáng giá. Nếu ý tưởng của bạn thực sự là tuyệt vời và quan trọng là gặp thời (đúng thời điểm cần thiết) thì việc bạn trở thành triệu phú USD như Kevin Systrom là chuyện rất đỗi bình thường”, Paul Saffo nhận xét.

Đúng là Kevin Systrom giàu được nhờ vào ý tưởng thiên tài, ra đời đúng lúc và bán được đúng lúc.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford vào năm 2006, anh đã gia nhập Google và làm ở bộ phận marketing, cho dù rất muốn làm công việc sáng tạo thiết kế sản phẩm. Thế rồi, cùng với một số nhân viên cũ của Google, Kevin Systrom thành lập Công ty Nextstop.com. Trong quá trình làm việc tại NextStop, Kevin Systrom đã tự mình học cách lập trình. “Khi tôi đang làm việc tại NextStop, tôi đã bắt đầu học lập trình vào ban đêm. Tôi chỉ lập trình theo sở thích và chỉ làm những thứ cơ bản nhất. Song chính  những thứ cơ bản này đã giúp tôi trở nên vững chắc hơn sau này. Từ đó, tôi rút ra bài học rằng, đừng từ bỏ điều gì sớm nếu bạn thực sự đam mê nó và những điều tôi học được đều từ những công việc quen thuộc và cơ bản hàng ngày, chứ không phải từ những gì tôi học được ở trường”, Kevin Systrom tâm sự.

Năm 2010, Kevin Systrom nhận được khoản đầu tư ban đầu trị giá 500.000 USD từ Andreessen Horowitz và Baseline Ventures để thực hiện ý tưởng xây dựng Instagram. Năm 2011, khi Instagram có 4 triệu người dùng, Kevin Systrom huy động tiếp từ Công ty Benchmark Capital... Đúng là nhờ vào ý tưởng thần kỳ mà Kevin Systrom giàu to, chứ đâu có cần vốn liếng gì nhiều.