Các thị trường đang khát thanh khoản

(ĐTCK) Nếu Guy Debelle là một nhà giao dịch quỹ đầu cơ, ông ta có lẽ đã gây ra sự chết chóc trong tuần qua.
Các thị trường đang khát thanh khoản

Vào thứ Ba tuần trước, ông Debelle - một quan chức hàng đầu ở Ngân hàng Trung ương Australia - đã đưa ra dự báo rằng, các thị trường đang hướng đến một đợt biến động dữ dội, do các nhà đầu tư quá hồn nhiên với rủi ro cấu trúc.

Một lượng đáng kể nhà đầu tư, theo quan sát của Debelle, nghĩ rằng, họ có thể thoát được vị thế của mình trước khi cuộc bán tháo xảy ra.

“Lịch sử mách bảo chúng ta rằng, đây không phải là một chiến lược thành công”, ông Debelle cảnh báo, “Các cuộc rút lui có xu hướng trở nên tắc nghẽn một cách bất thình lình và nhanh chóng”.

Một ngày sau đó, dự báo của Debelle đã trở thành hiện thực. Sự biến động đã bùng phát trên các thị trường hôm thứ Tư, kích thích giá trái phiếu kho bạc Mỹ nhảy nhót loạn xạ và cổ phiếu và trái phiếu châu Âu giảm giá mạnh. Mặc dù những biến động này có thể biến mất trong những ngày tới, nhưng tầm quan trọng của thông điệp từ ông Debelle sẽ vẫn còn. Những vòng xoáy giá trong tuần qua đã cho thấy rằng, “thanh khoản” - mức độ mà các tài sản có thể được giao dịch - đang là một vấn đề lớn.

Điều gây lo lắng lúc này là thanh khoản có vẻ đã giảm do các thử nghiệm chính sách tiền tệ phi chính thống va chạm với các cải cách tài chính và sự thay đổi công nghệ theo một cách nguy hiểm ngoài dự tính. Hay như lời ông Debelle: “Thanh khoản thị trường đang thấp hơn, về mặt cơ cấu, so với trước đây. Điều này khó nhận biết trong một thị trường tăng điểm, khi các tài sản đang được mua vào, những sẽ nhanh chóng hiện rõ trong một thị trường đi xuống”.

Với một người ngoại đạo ngân hàng, đó dường như là điều kỳ cục. Kể từ khủng hoảng 2008, các ngân hàng trung ương phương Tây đã xả vào hệ thống một cơn lũ tiền mặt và mở rộng bảng cân đối của mình, đâu đó khoảng 7 - 10 nghìn tỷ USD. Nhưng vấn đề với “thanh khoản” là thuật ngữ này có thể mang nhiều nghĩa. Việc đưa rất nhiều tiền vào hệ thống không đảm bảo rằng tiền đó sẽ chảy tự do. Các hệ thống ngập tiền có thể thi thoảng vẫn bị úng tắc.

Chuyện này đôi khi xảy ra do các nhà đầu tư mất niềm tin lẫn nhau và ngừng thực hiện giao dịch, như trong năm 2008. Nhưng các thị trường cũng có thể trở nên mất thanh khoản chỉ vì người mua và người bán không gặp được nhau. Vấn đề cuối cùng này, cũng như tất cả những vấn đề được nêu trước đó, đã cấu thành nên vòng xoáy của giá trái phiếu kho bạc Mỹ và nhiều tài sản khác trong tuần qua.

Có ít nhất 4 nguyên nhân đằng sau vấn đề thanh khoản hiện tại. Nguyên nhân đơn giản nhất là quan điểm bất cân bằng giữa các nhà đầu tư. Một cuộc khảo sát của Bloomberg cách đây hai tuần cho thấy, 100% nhà kinh tế thị trường dự đoán lãi suất Mỹ sẽ sớm tăng. Kết quả này là bất thường và nó có nghĩa rằng, khi các nhà đầu tư trở nên bi quan về triển vọng kinh tế, nhiều người sẽ cùng một lúc cố gắng thay đổi vị thế giao dịch của họ.

Nguyên nhân thứ hai là các nhà quản lý tài sản ngày càng có xu hướng hành động bầy đàn hơn - khiến cho bên mua và bên bán càng khó gặp nhau. Điều này một phần do các nhà đầu tư đang ngày càng sử dụng những tiêu chuẩn giống nhau để phán đoán và hành động. Các nhà quản lý quỹ lớn nhất cũng đang bùng nổ về quy mô, tạo nên mức độ tập trung cao hơn trong các giao dịch. Chẳng hạn, ở các thị trường mới nổi, theo ước tính của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Top 20 nhà quản lý tài sản toàn cầu đang nắm giữ 30% toàn bộ trái phiếu và cổ phiếu - tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm. Xu hướng tương tự cũng có thể nhìn thấy ở các thị trường khác.

Nguyên nhân thứ ba là sự gia tăng của việc sử dụng các chương trình máy tính trong giao dịch. Về lý thuyết, điều này có thể giúp cho các thị trường tăng thanh khoản do các máy tính có thể khớp lệnh trên toàn thế giới với tốc độ ánh sáng. Nhưng các phần mềm được trang bị cho các quỹ đầu cơ và các ngân hàng được lập trình giống nhau, nên các gợi ý hay ra lệnh cũng có xu hướng “bầy đàn” như con người, tức là cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất cân bằng.

Nhưng vấn đề gai góc nhất là pháp lý. Trong quá khứ, các ngân hàng đầu tư lớn thường khớp lệnh mua và bán bằng cách nắm giữ lượng lớn các tài sản. Tuy nhiên, từ năm 2008, các ngân hàng đã cắt giảm lượng tài sản nắm giữ từ 30-80% (tùy loại) để đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn. Điều này làm giảm khả năng của các ngân hàng trong vai trò là những nhà tạo lập thị trường và loại bỏ các cú sốc từ hệ thống.

Vậy có giải pháp nào không? Các ngân hàng trung ương đã tranh cãi về việc liệu các cơ quan của chính phủ có nên đứng ra là người tạo lập thị trường trong một cuộc khủng hoảng. Giới quản lý cũng đang tiến tới áp dụng các hạn chế đối với các chương trình giao dịch tự động và Văn phòng Nghiên cứu Tài chính Mỹ đang cố gắng giám sát hành động bầy đàn của nhà đầu tư với độ chính xác cao hơn. Và dễ hiểu khi các ngân hàng tư nhân đang vận động hành lang cho một “giải pháp” tiềm năng khác: bãi bỏ các quy định pháp lý gần đây.

Tin bài liên quan