Các nước G20 đồng ý chống bảo hộ thương mại

Các nước G20 đồng ý chống bảo hộ thương mại

Lãnh đạo các nước tuyên bố sẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ghi nhận quy định về các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp.

Thông cáo chung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa công bố cho biết: “Chúng tôi sẽ luôn mở cửa thị trường, quan tâm đến tầm quan trọng của thương mại và các khung đầu tư giúp đôi bên cùng có lợi”.

Bên cạnh đó, G20 sẽ “tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tất cả hoạt động thương mại không công bằng, và ghi nhận quy định về các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp”.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, thông cáo cũng khiến Mỹ trở nên lạc lõng khi tuyên bố 19 nước, trừ Mỹ “khẳng định Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược”.

Trong ngày họp đầu tiên hôm thứ Sáu, G20 bất hòa cả về thương mại tự do lẫn biến đổi khí hậu. Các quan chức cho biết nguyên nhân là lập trường bảo hộ của ông Trump.

Một quan chức ngoại giao phương Tây tiết lộ ông Trump từng tuyên bố trong một phiên họp kín rằng sẽ luôn bảo vệ người lao động Mỹ. Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron thì cố làm lung lay quan điểm Mỹ chịu thiệt về thương mại, khi lấy chính điện thoại của mình làm ví dụ.

Ông cho biết khi mua nó, ông đã khiến Pháp thâm hụt thương mại so với Mỹ. Nhưng khi người Mỹ làm ra điện thoại, Mỹ tạo ra thâm hụt với Trung Quốc.

Điều này có nghĩa trong thế giới đa phương hiện tại, quan điểm về thâm hụt song phương chẳng mấy quan trọng.

Dù vậy, các cuộc nói chuyện về chính sách kinh tế toàn cầu đều cho thấy sự bất hòa, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump vẫn giữ nguyên lập trường về chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Từ khi còn tranh cử, ông đã nhiều lần phàn nàn về các hoạt động thương mại không công bằng, khiến nước Mỹ chịu thiệt.

Quan chức G20 cũng vẫn lo ngại về một cuộc chiến thép, khi ông Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế nhập khẩu mạnh tay vì tình trạng phá giá trên toàn cầu.

Chủ nhà của G20 năm nay, Thủ tướng Đức – Angela Merkel cho biết các lãnh đạo cần tìm ra giải pháp chung cho tình trạng dư thừa thép, để ngăn “các hành động đa phương” gia tăng. Trong thông cáo chung, các nước cũng cam kết nỗ lực chống lại tình trạng này.

“Chúng tôi đều phản đối bảo hộ thương mại. Tôi cho rằng cuộc họp lần này sẽ có kết quả tích cực”, Bộ trưởng Tài chính Canada - Bill Morneau nhận xét, “Chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của thương mại với các nền kinh tế và tăng trưởng, cũng như những khó khăn mà bảo hộ mang lại”.

Giới quan sát nhận định thế giới sẽ vẫn phải giải quyết bất đồng với chính quyền ông Trump về các vấn đề này. Cuộc họp của nhóm G7 hồi tháng 5 đã kết thúc bằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu.

Tin bài liên quan