Các ngân hàng châu Âu thu về kết quả ngọt ngào

Các ngân hàng châu Âu thu về kết quả ngọt ngào

(ĐTCK) Sau một thời gian trải qua nhiều khó khăn, có vẻ như hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại châu Âu đang khởi sắc, khi các nhà băng đồng loạt công bố lợi nhuận tăng mạnh.

Các ngân hàng lớn nhất khu vực sử dụng đồng tiền chung euro vừa công bố lợi nhuận hỗn hợp ở mức cao nhất trong hơn 4 năm qua, một tín hiệu tốt cho thấy có lẽ nền kinh tế châu Âu đang đi đúng hướng.

10 nhà băng lớn nhất, tính theo tổng tài sản trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, có thu nhập ròng 11,4 tỷ euro (12,4 tỷ USD) trong quý II/2015, mức cao nhất kể từ quý III/2011, theo số liệu của Bloomberg. Tất cả các ngân hàng trên đều có lợi nhuận cao gấp ít nhất 2 lần so với năm ngoái.

Các ngân hàng châu Âu thu về kết quả ngọt ngào ảnh 1

 Lợi nhuận của các ngân hàng ở châu Âu (đường màu đỏ) tăng trở lại

Sau khi chiến đấu với các khoản nợ xấu và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh do khủng hoảng nợ tại khu vực, các ngân hàng tại châu Âu đang được hưởng lợi từ việc nền kinh tế dần hồi phục trở lại. Đây được xem là kết quả từ sự nỗ lực của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) với các gói nới lỏng định lượng.

Patrick Lemmens, người quản lý quỹ tại Orix Corp, thuộc Robeco Greop NV (Rotterdam) cho rằng: “Các ngân hàng châu Âu đang đi đúng hướng. Họ có lý do hợp lý để đạt được kết quả này, đó là sự chuẩn bị khá tốt khi việc cho vay đi xuống, đồng thời cũng nhận được trợ lực từ sự tăng trưởng trong khu vực”.

Các dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế cũng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng có màn biểu diễn tốt nhất trong chỉ số Stoxx Europe 600, với mức tăng 16% trong năm nay.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (5/8), cổ phiếu của Societe Generale SA tăng 7,0%, mức tăng mạnh nhất trong 2 năm qua, sau khi ngân hàng của Pháp này công bố lợi nhuận quý II cao nhất kể từ năm 2007 và đặt mục tiêu tăng vốn. Cổ phiếu của UniCredit SpA, ngân hàng lớn nhất của Italy, cũng có mức tăng mạnh nhất trong gần 3 năm qua khi công bố doanh thu vượt dự tính trước đó.

Để đạt được thành quả này, các ngân hàng châu Âu đã rất nỗ lực để có thể chống đỡ với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua. Deutsch Bank AG đã buộc phải cắt giảm chi phí và bán đi một số bộ phận, trong khi UniCredit phải xây dựng lại kế hoạch kinh doanh để phù hợp với mục tiêu mới trong năm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm tin rằng, việc các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan là dấu hiệu của nền kinh tế đã hồi phục, khi mà lãi suất vẫn đang ở mức thấp và các mối lo ngại về luật pháp còn tồn tại.

Deutsche Bank đã phải trả mức phạt về các hành vi vi phạm pháp luật lên tới 11 tỷ euro kể từ năm 2008 cho tới nay, mức cao kỷ lục đối với tất cả các ngân hàng trong khu vực.

“Tất nhiên, nền kinh tế đang hồi phục và trông có vẻ ổn định, tuy nhiên, một phần là bởi tác động của lãi suất ở mức thấp và các tranh chấp pháp lý chưa được giải quyết triệt để. Tôi không cho rằng có xu hướng ổn định trong việc tăng lợi nhuận ở lĩnh vực này”, Christian Hamann, chuyên gia phân tích tại Hamburger Sparkasse cho biết.

Tin bài liên quan