Các công ty Hồng Kông ồ ạt mua lại cổ phiếu

Các công ty Hồng Kông ồ ạt mua lại cổ phiếu

(ĐTCK) Các công ty đang niêm yết tại Hồng Kông đã dành khoảng 25 tỷ HKD (3,2 tỷ USD) để mua lại cổ phiếu của chính mình đã phát hành (buyback) trong năm nay, tính tới ngày 25/7, mức cao nhất trong cùng giai đoạn kể từ năm 2008.

Doanh nghiệp niêm yết tại thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới đang chi tiêu nhiều hơn cho các chương trình mua lại cổ phiếu, trong bối cảnh môi trường lãi suất được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong gần 1 thập kỷ qua sắp chấm dứt.

Động thái này tương tự với những gì từng diễn ra sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ và cũng mang tới hiệu quả là gia tăng giá trị của cổ phiếu tại sàn Hồng Kông, vốn đang là những cổ phiếu rẻ nhất trong số các thị trường lớn nhất thế giới.

“So với phần còn lại của thế giới, giá trị của cổ phiếu tại Hồng Kông đang tăng lên, nhưng nó vẫn đang rất rẻ. Các công ty Hồng Kông đang theo bước những doanh nghiệp khác trên toàn cầu với hy vọng sẽ nâng đỡ giá cổ phiếu”, Philip Li, nhà quản lý vốn tại Value Partners Ltd cho biết.

Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, tạo thêm lực đẩy hỗ trợ thị trường, bên cạnh dòng tiền đầu tư mạnh chảy vào từ Đại lục và việc nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra ưa chuộng hơn các tài sản tại Hồng Kông.

Steve Sun, Giám đốc Chiến lược chứng khoán Trung Quốc của HSBC cho biết, thị trường Hồng Kông sẽ tiếp tục được nâng đỡ từ hoạt động mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp, cùng dòng vốn nước ngoài đổ vào. Chỉ số Hang Seng đã tăng 5,3% trong tháng 7, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2017.

Xu hướng mua lại cổ phiếu bắt đầu hồi phục kể từ năm ngoái, khi các công ty muốn được hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu giảm và chi phí đi vay ở mức thấp, giúp hỗ trợ tạo quỹ mua cổ phiếu và giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ tiền mặt.

Tony Chu, Giám đốc Quỹ Victory Capital Management Inc cho biết, kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Hang Seng đã tăng 23%, trong đó, cổ phiếu của 3 công ty tiến hành mua lại cổ phiếu đã đóng góp một nửa mức tăng. Điều này đã cổ vũ cho nhiều doanh nghiệp khác thực hiện chiến lược này.

Các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông, vốn chiếm khoảng 60% giá trị các chương trình mua lại cổ phiếu trong năm nay, đang là ví dụ điển hình nhất cho việc mang lại niềm vui ngắn hạn cho cổ đông, nhưng lại đưa ra tín hiệu tiêu cực trong dài hạn. Với việc các doanh nghiệp Đại lục hoạt động ngày càng năng nổ trên thị trường, rất nhiều nhà phát triển bất động sản địa phương bị đẩy ra rìa, chỉ còn cách sử dụng tiền để tập trung mua lại cổ phiếu của chính mình, David Ng, chiến lược gia tại Macquarie Group Ltd cho biết.

Trong đó, Cheung Kong Property Holdings Ltd đã chi khoảng 7 tỷ HKD vào việc mua lại cổ phiếu trong năm nay, mức cao nhất trong số các doanh nghiệp tiến hành mua lại cổ phiếu. Cùng giai đoạn này, giá cổ phiếu của Công ty tăng 32%, vượt trội so với tốc độ tăng trưởng của chỉ số Hang Seng và chỉ số tiêu chuẩn của lĩnh vực bất động sản tại thị trường này.

Tuy gây ra mối lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp đang bế tắc trong việc phát triển đường hướng kinh doanh, chỉ còn cách mua lại để kéo giá cổ phiếu, làm hài lòng cổ đông, nhưng theo một số chuyên gia, vẫn còn quá sớm để lo lắng.

“Việc mua lại cổ phiếu chỉ là bước đi ban đầu của doanh nghiệp, vì vậy tôi không quá lo lắng. Nếu họ chỉ dựa vào việc mua lại, trong khi thu nhập tồi mới đáng ngại, trong khi trường hợp hiện nay không phải như vậy”, Philip Li cho biết và dẫn chứng, tại Mỹ, các chương trình mua lại cổ phiếu cũng đã nhảy vọt cùng với giá cổ phiếu kể từ năm 2009 cho tới khi đạt đỉnh vào năm 2015, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tiến hành việc nâng lãi suất.

Giá trị mua lại cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đạt 548 tỷ USD năm 2016, giúp nâng đỡ thị trường lên mức cao mới, dù bị chỉ trích rằng, doanh nghiệp chỉ tập trung tự thổi phồng giá cổ phiếu, thay vì đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận đây là một trong các yếu tố giúp chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục leo dốc.

Tin bài liên quan